Phóng viên: Xin ông cho biết việc chuẩn bị Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam đến nay ra sao?
Ông Đồng Văn Thanh: Thực hiện công văn số 6152/ VPCP-NN ngày 10-8-2023 của Văn phòng Chính phủ về việc tổ chức Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, tỉnh đã phối hợp Bộ NN-PTNT, các bộ, ngành liên quan chuẩn bị các nội dung nhằm tổ chức festival thành công tốt đẹp. Ban tổ chức đã xây dựng chương trình cho 4 cuộc hội thảo quốc tế; 1 cuộc trình diễn đồng ruộng quốc tế; đã phân 4 khu trưng bày: khu trưng bày sản phẩm OCOP của 63 tỉnh, thành phố; khu trưng bày chuỗi ngành hàng lúa gạo; khu trưng bày, triển lãm của doanh nghiệp trong và ngoài nước và khu trưng bày Con đường lúa gạo Việt Nam...
Tỉnh cũng đã triển khai trồng 15.000 chậu lúa để trang trí nơi tổ chức các sự kiện. Đây sẽ “nguyên liệu” phục vụ cho Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023.
Thưa ông, đâu là điểm nhấn chính tại kỳ Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam lần này?
Festival lúa gạo Việt Nam lần đầu tiên được nâng tầm là festival quốc tế, trong nội dung các cuộc hội thảo, trình diễn, trưng bày, triển lãm… mang tính quốc tế. Các nhà khoa học, nhà quản lý lúa gạo thế giới sẽ tham dự và phát biểu, tham luận tại hội nghị, hội thảo như: hội thảo đối thoại chính sách Việt Nam - châu Phi; hội nghị Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam - trách nhiệm và bền vững; hội thảo Tình hình lúa gạo toàn cầu và xu hướng trong thời gian tới; hội thảo Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành lúa gạo...
Ngoài ra, festival còn tổ chức chương trình trình diễn công nghệ cơ giới hóa gieo sạ và mô hình nông nghiệp tuần hoàn từ rơm. Hậu Giang tin rằng, thông qua các hoạt động và chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia hàng đầu về lúa gạo trong nước và quốc tế, sẽ có những đề xuất và thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện giải pháp đổi mới, sáng tạo cho ngành lúa gạo, góp phần đưa ngành hàng lúa gạo Việt Nam phát triển bền vững và mở rộng thị trường cho hạt gạo Việt Nam.
Điểm nhấn kế tiếp là triển lãm Con đường lúa gạo Việt Nam tại bờ kè Kênh xáng Xà No (TP Vị Thanh), không chỉ góp phần truyền đi thông điệp festival lúa gạo, mà còn đưa khách tham quan đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi khám phá, trải nghiệm quá khứ, hiện tại, tương lai của lúa gạo Việt Nam. Con đường lúa gạo thể hiện quá trình trồng lúa từ lúc sơ khai đến thời đại nông nghiệp 4.0. Cuối con đường là bản đồ Việt Nam (ngang 3m, cao 9m) được làm từ lúa đặc sản, đặc trưng của 63 tỉnh thành cả nước.
Ngoài ra, trong khuôn khổ festival còn có các triển lãm: thành tựu kinh tế - xã hội, sản xuất lúa gạo của các tỉnh thành cả nước; chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo; “Lúa gạo Việt - Thương hiệu Việt - Tự hào của người Việt”; “Lúa gạo quốc tế”; “Nông nghiệp số - Nền tảng phát triển bền vững”; “Nông nghiệp xanh - Công nghệ sạch”; ngành “Ngân hàng phục vụ sự phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới”; ngành du lịch…
Hậu Giang hiện có những đặc sản địa phương: món ăn chế biến từ cá thát lát; đặc sản cá đồng; khóm Cầu Đúc, bưởi… Ngoài ra, còn có 175 sản phẩm OCOP từ 3 sao của các hợp tác xã, cơ sở trong tỉnh. Nhiều đặc sản là sản phẩm OCOP sẽ được chọn để chiêu đãi các vị khách trong nước và quốc tế tại đêm gala 14-12.
Bộ NN-PTNT đang triển khai “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”, Hậu Giang đã và đang chuẩn bị cho quá trình tham gia vào đề án này như thế nào?
Năm 2023, xuất khẩu gạo Việt Nam tiếp tục tạo dấu ấn trên thương trường. Việc giá gạo xuất khẩu và giá lúa của nông dân được giá cao duy trì cả năm đã tạo sự phấn khích cho nông dân. Đây cũng là cơ hội để ngành nông nghiệp và các địa phương triển khai thực hiện đề án mang tính chiến lược.
Hậu Giang đã khảo sát, phân tích khả năng tham gia thực tế theo sự chỉ đạo của Trung ương để đăng ký diện tích tham gia thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”. Cụ thể, giai đoạn đến 2025 là 28.000ha, đến năm 2030 là 46.000ha.
Hậu Giang tiếp tục chỉ đạo đơn vị chuyên môn của tỉnh, huyện tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn nông dân kỹ thuật sản xuất lúa theo hướng giảm phát thải như: 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, sản xuất theo tiêu chuẩn SRP… vừa hạ giá thành, tăng chất lượng, hiệu quả, giảm phát thải. Sản xuất lúa giảm phát thải là xu hướng xanh, được các chuyên gia lúa gạo quốc tế đánh giá cao. Vì vậy, Hậu Giang đang nỗ lực cùng các tỉnh, thành trong cả nước thực hiện tốt chương trình này để tạo điểm nhấn cho thương hiệu lúa gạo Việt Nam.
Khoảng 15.000 chậu lúa đã sẵn sàng phục vụ cho Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 |
Trở lại câu chuyện Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam, Hậu Giang đã chuẩn bị gì để tri ân những nông dân tiêu biểu trong sản xuất lúa gạo?
Trong lần đầu Hậu Giang tổ chức festival lúa gạo (năm 2009), 50 nông dân từ 34 tỉnh, thành cả nước đã được tôn vinh và nhận bằng khen của Bộ NN-PTNT về “Nông dân sáng tạo - sản xuất lúa giỏi”. Tại Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, ban tổ chức dành nhiều không gian để ghi nhận, tôn vinh những thành quả đạt được như: xây dựng con đường lúa gạo tái hiện quá trình sản xuất lúa gạo của nông dân Việt Nam; xây dựng bản đồ Việt Nam bằng hạt lúa, gạo đặc trưng của 63 tỉnh, thành và tổ chức chế biến 200 món ăn từ gạo, nếp…
Qua đó, đăng ký xác lập kỷ lục Việt Nam cho các hoạt động này. Đồng thời, tổ chức trưng bày triển lãm “Chuỗi ngành hàng lúa gạo” thể hiện toàn bộ quá trình từ sản xuất lúa đến chế biến, xuất khẩu. Đây là món quà tinh thần ý nghĩa mà ban tổ chức muốn dành tặng hàng triệu nông dân Việt Nam đã có công lao đóng góp cho ngành lúa gạo Việt Nam.
Lễ khai mạc Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 và chương trình nghệ thuật diễn ra vào tối 12-12. Dự kiến tại festival sẽ mời Tổ chức Guinness Việt Nam xác lập 3 kỷ lục Việt Nam: 200 món ngon Nam bộ; Con đường lúa gạo Việt Nam; Bản đồ Việt Nam làm từ lúa gạo đặc sản của 63 tỉnh, thành.