![Công ty TNHH Sản xuất thương mại Cát Thái gia công chi tiết phụ trợ tại Khu công nghệ cao TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/ohpohuo/2025_02_15/o1a-4117jpg-904-2477.jpg.webp)
Theo Bộ Công thương, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nền kinh tế lớn tiếp tục gia tăng, xu hướng tái cấu trúc chuỗi cung ứng và tìm kiếm những thị trường đầu tư mới đang trở nên rõ nét hơn. Việt Nam được đánh giá là một trong những điểm đến hấp dẫn nhờ lợi thế về nhân công, môi trường kinh doanh và những nỗ lực cải cách chính sách. Tuy nhiên, cơ hội này có thể tuột mất nếu Việt Nam không thể nâng cao chất lượng lao động, cải thiện cơ sở hạ tầng và tạo môi trường kinh doanh minh bạch, ổn định. Các nhà đầu tư hoàn toàn có thể dịch chuyển sang những thị trường khác như Indonesia, Ấn Độ - những quốc gia đang tích cực cạnh tranh để thu hút dòng vốn FDI mới.
Bộ Công thương cũng nhận định, dòng vốn FDI toàn cầu đang có xu hướng chuyển dịch khỏi Trung Quốc sang các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ. Nguyên nhân chủ yếu là do gia tăng chính sách bảo hộ thương mại từ các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ và Liên minh châu Âu, cũng như những rủi ro kinh tế nội tại của Trung Quốc (khủng hoảng bất động sản). Các doanh nghiệp quốc tế đang tìm kiếm những địa điểm đầu tư có chi phí cạnh tranh, thị trường nội địa phát triển nhanh và chính sách hỗ trợ thuận lợi.
Không chỉ số lượng vốn FDI có xu hướng tăng lên mà còn có sự thay đổi về chất. Dòng vốn đầu tư nước ngoài đang ưu tiên các ngành công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain (chuỗi khối), fintech (công nghệ tài chính) và công nghệ sinh học. Các lĩnh vực xanh và bền vững, bao gồm năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn và công nghệ giảm phát thải carbon cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt. Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng nhận định, đây là cơ hội quan trọng để Việt Nam chuyển đổi mô hình phát triển, thu hút các dự án có giá trị gia tăng cao, thay vì chỉ tập trung vào các ngành thâm dụng lao động như trước đây. Bên cạnh đó, sự thay đổi trong bản chất dòng vốn FDI từ các ngành thâm dụng lao động sang công nghệ cao và phát triển bền vững đặt ra yêu cầu cấp thiết về đổi mới mô hình phát triển. Việc chỉ dựa vào ưu đãi thuế hoặc nhân công giá rẻ sẽ không còn đủ sức hấp dẫn. Việt Nam cần tập trung xây dựng hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ mạnh, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng như hoàn thiện khung pháp lý để tạo niềm tin cho các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư dài hạn.
Bộ Công thương thông tin, Chính phủ đã và đang có những bước đi nhằm tận dụng cơ hội này. Đó là, cải thiện cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh quá trình số hóa, cắt giảm thủ tục hành chính và tạo ra các chính sách ưu đãi nhằm thu hút các nhà đầu tư lớn. Việc triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ sẽ giúp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với khu vực FDI.
Như vậy, nếu có chiến lược phù hợp, Việt Nam không chỉ tận dụng được làn sóng FDI mới mà còn có thể vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu, giảm phụ thuộc vào các ngành sản xuất giá trị thấp và từng bước tiến tới một nền kinh tế công nghệ cao, xanh và bền vững hơn.