Phóng viên Báo SGGP đã ghi nhận một số ý kiến xung quanh vấn đề trên.
Ông Nguyễn Thanh Toàn - Nguyên Phó Giám đốc Sở QH-KT TPHCM: Sẽ có kế hoạch thực hiện quy hoạch cụ thể
Kết nối hạ tầng kỹ thuật giữa Khu đô thị Tây Bắc với khu trung tâm nội thành hiện hữu của thành phố và các khu kế cận theo quy hoạch chung xây dựng TPHCM (Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương…) chưa thực sự thuận lợi. Trục giao thông Bắc - Nam, đường Vành đai 3, Vành đai 4 còn chậm triển khai nên trong các năm qua Khu đô thị Tây Bắc vẫn chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư có tiềm lực, dù khu đô thị này có nhiều thuận lợi về địa chất công trình, tỷ lệ đất trống còn nhiều, (trong đó có quỹ đất công sẽ thuận lợi hơn cho công tác giải phóng mặt bằng).
Nơi đây nằm ở vùng đất cao, không chịu ảnh hưởng nhiều từ hệ lụy của biến đổi khí hậu toàn cầu. Bên cạnh đó, nội dung quy hoạch khu đô thị đã được phê duyệt trước đây, còn thiếu tính khả thi do có khoảng 1.640ha/6.000ha là khu dân cư hiện hữu với dân số khoảng 57.000 người đã sống ổn định từ lâu. Điều này sẽ gây xáo trộn lớn, nếu thực hiện theo nội dung quy hoạch đã được duyệt (xây đô thị mới hoàn toàn - PV). Để tăng tính khả thi và đẩy nhanh quá trình thực hiện quy hoạch, hạn chế tối đa gây xáo trộn, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân trong khu vực dân cư hiện hữu, Thành ủy, UBND TPHCM đã có chủ trương lập điều chỉnh tổng thể quy hoạch phân khu Khu đô thị Tây Bắc.
Theo đó, khu dân cư hiện hữu rộng 1.640ha chỉ thực hiện quy hoạch cải tạo, chỉnh trang. UBND TPHCM đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 Khu đô thị Tây Bắc. Hiện nay, Ban quản lý Khu đô thị Tây Bắc đang phối hợp với Sở QH-KT TPHCM khẩn trương hoàn chỉnh tiếp bước đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 theo chỉ đạo của UBND TPHCM.
Nội dung đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 Khu đô thị Tây Bắc lần này sẽ xác định lại các giai đoạn tổ chức thực hiện theo quy hoạch, lập kế hoạch thực hiện quy hoạch. Theo đó, sẽ xác định các hạng mục, dự án ưu tiên đầu tư, nguồn lực thực hiện (ngân sách, mời gọi các nhà đầu tư tư nhân…). Công tác mời gọi đầu tư theo quy hoạch sẽ được thực hiện theo đúng quy định về quản lý đầu tư, quản lý đất đai và các quy định khác liên quan.
Thuận lợi hiện nay là Công ty Berejya (Malaysia) đang tiếp tục lập thủ tục đầu tư khu đô thị đại học quốc tế quy mô trên 800ha - là một khu chức năng trọng tâm trong Khu đô thị Tây Bắc. Đây sẽ là động lực bước đầu để triển khai đồng bộ tiếp theo các dự án đầu tư phát triển đô thị trong Khu đô thị Tây Bắc, tương tự như Khu đô thị Phú Mỹ Hưng nằm trong Khu đô thị Nam Sài Gòn. Bên cạnh đó, TPHCM cũng đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư tuyến cao tốc TPHCM - Mộc Bài (Tây Ninh) và các tuyến đường vành đai, trục giao thông Bắc - Nam. Tuyến metro số 2 đang được thực hiện cũng là tín hiệu lạc quan, tạo điều kiện thuận lợi về kết nối hạ tầng, tạo động lực cho Khu đô thị Tây Bắc phát triển, phù hợp với định hướng phát triển TPHCM về phía Tây Bắc đã được xác định trong đồ án quy hoạch chung xây dựng TPHCM đã được phê duyệt.
TS Nguyễn Minh Hòa - Chuyên gia đô thị học: Đừng để lỡ hẹn với đô thị vệ tinh này nữa
Lợi thế của vùng đất này là tương đối còn hoang sơ, cao ráo nên khá thuận lợi cho việc đầu tư xây dựng một khu đô thị mới, hoàn chỉnh. Thực tế thời gian qua, một số dự án “khủng” đã được chấp thuận chủ trương đầu tư vào khu vực này, nhưng vì nhiều lý do nhà đầu tư triển khai quá chậm hoặc không triển khai, khiến TP phải thu hồi chủ trương đầu tư (như Khu đô thị An Phú Hưng, Khu đô thị Đại học Quốc tế). TPHCM đã xác định phát triển một số đô thị vệ tinh nhằm kéo giãn dân và Khu đô thị Tây Bắc là một trong những đô thị vệ tinh nhưng chúng ta đã “lỡ hẹn” nhiều năm.
Theo nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch mới được phê duyệt, sẽ ưu tiên bố trí các công trình cao tầng của các khu dân cư mới dọc trục giao thông chính, có động lực phát triển, như trục song hành quốc lộ 22, dọc tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương - Củ Chi)… không gian kiến trúc thấp dần về phía sau. Tập trung bố trí cụm công trình có chức năng dịch vụ, thương mại (cao tầng) tại các khu vực trung tâm khu đô thị, nhà ga của tuyến Metro số 2. Như vậy, nếu tuyến Metro số 2 được kéo dài đến Củ Chi thì đây sẽ là “cú hích” về hạ tầng, tạo động lực cho Tây Bắc phát triển.
Ngoài ra, khu Tây Bắc tiếp giáp với tỉnh Bình Dương, khu vực đang phát triển nhanh, năng động. Từ Củ Chi còn có thể kết nối với Đông Nam Á qua cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh. Do đó, đây là vùng đất khá nhiều tiềm năng… TPHCM tạo ra 1-2 trung tâm mới hiện đại hơn, tiện ích hơn ở cách xa trung tâm hiện hữu chừng 20-30km thì chắc chắn diện mạo, sức sống của thành phố sẽ khác đi rất nhiều. Gần đây, nhiều nhà đầu tư tầm cỡ đã để mắt tới Củ Chi nhưng chưa dám mạnh dạn bỏ vốn lớn, vì còn trông đợi vào những quy hoạch căn cơ, bài bản và rõ ràng. TPHCM đang cần tư duy mới, mạnh dạn hơn, tầm cỡ hơn trong quy hoạch không gian.
Bên cạnh quy hoạch hợp lý cũng cần có chính sách hợp lý để thu hút các nhà đầu tư. Ngoài ra, để tạo những cú hích ban đầu, TP cần mạnh dạn tập trung đầu tư một vài dự án giao thông. Có thể nói, đây là nền tảng quan trọng để tạo đột phá trong tương lai. Ngoài ra, Củ Chi là một trong số ít nơi có quỹ đất nông nghiệp còn tương đối nhiều, chúng ta cần phải giữ lại, phát triển hài hòa trong bối cảnh đô thị hóa, tạo ra những khu nông nghiệp công nghệ cao, vừa tạo ra sản phẩm nông nghiệp cho TP, vừa thu hút khách du lịch. Đây là vốn quý mà không phải “siêu đô thị” nào cũng có được. Nếu không giữ được, đến lúc có bao nhiêu tiền chúng ta cũng không thể “mua” được.
Ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng - Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức: Đầu tư mạnh cho giao thông kết nối
Bế tắc lớn nhất khiến khu đô thị này lâu nay chậm phát triển vẫn là hạ tầng giao thông chưa tương xứng, chưa được đầu tư đồng bộ để kết nối khu vực với các quận nội thành, cũng như kết nối với các địa phương lân cận. Khi các dự án hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng, kết nối trung tâm thành phố với khu vực Củ Chi, Hóc Môn và các dự án có quy mô lớn được tái khởi động, quỹ đất dồi dào… sẽ là động lực để cửa ngõ Tây Bắc TPHCM bứt phá phát triển.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với kiến nghị của tỉnh Tây Ninh về việc triển khai dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài. Việc này được kỳ vọng sẽ tạo cú hích cho khu vực cửa ngõ Tây Bắc của thành phố phát triển mạnh trong thời gian tới. Theo thông tin được công bố, dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài là một trong 7 dự án đường cao tốc ở phía Nam, nằm trong tổng số 21 tuyến cao tốc trong “Quy hoạch tổng thể mạng lưới cao tốc Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 (4 làn xe) khoảng 10.727 tỷ đồng, giai đoạn 2 (nâng lên 6-8 làn xe) là hơn 5.000 tỷ đồng. Dự án có điểm đầu tại giao cắt giữa đường Vành đai 3 với Tỉnh lộ 15 của TPHCM; điểm cuối tại quốc lộ 22 thuộc khu vực cửa khẩu Mộc Bài. Hướng tuyến của dự án phù hợp với quy hoạch chung của huyện Củ Chi và tỉnh Tây Ninh.
Hiện nay, từ trung tâm về Tây Bắc Củ Chi chủ yếu qua con đường “độc đạo” là quốc lộ 22, trục đường này đã quá tải. Gần đây, TP đã đầu tư nâng cấp một số nút giao thông trên trục đường này, như nút giao thông An Sương, nhưng so với yêu cầu thực tế vẫn chưa đáp ứng được. Các tỉnh lộ nối Củ Chi với Bình Dương, Long An cũng chưa được đầu tư đúng mức. Nhìn một cách tổng thể, nếu hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, quy hoạch hợp lý, khu Tây Bắc sẽ trở thành cầu nối giao thương mạnh mẽ giữa vùng lõi nội đô và nhiều tỉnh lân cận. Hạ tầng giao thông như chiếc chìa khóa để mở cánh cửa đã đóng Tây Bắc Củ Chi lâu nay. Theo tôi, nếu hạ tầng kết nối tốt, cùng với những chính sách hợp lý thì khu đô thị này sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư không kém gì các khu vực khác, như khu Đông hay khu Nam của TPHCM.