Mục tiêu trong tầm tay
Lãnh đạo WHO cho biết, số ca mắc mới và tử vong vì Covid-19 hàng tuần đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3-2020. Tuy nhiên, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh, thế giới cần duy trì những nỗ lực phòng chống đại dịch vốn đã khiến hơn 6 triệu người thiệt mạng và hiện là thời điểm tốt nhất để chấm dứt đại dịch Covid-19.
Giai đoạn đặc hữu là khi người dân học cách sống chung với virus, khác với giai đoạn virus chế ngự trong dân. Dù cho rằng sẽ có những làn sóng lây nhiễm trong tương lai nhưng các quan chức WHO khẳng định mục tiêu chấm dứt đại dịch hoàn toàn trong tầm tay, vì thế giới đã có những công cụ như vaccine, thuốc chữa bệnh để ngăn chặn bệnh trở nặng.
Lời kêu gọi của người đứng đầu WHO được đưa ra trong bối cảnh trong những tháng qua, nhiều khu vực trên thế giới - bao gồm cả châu Âu và Bắc Mỹ - tiếp tục hành trình hướng tới coi Covid-19 là bệnh đặc hữu, nhất là sau sự xuất hiện của biến thể Omicron. Hoặc, nếu chưa tuyên bố Covid-19 là bệnh đặc hữu thì nhiều nước cũng đã chấm dứt các luật lệ liên quan đến virus SARS-CoV-2.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây, bà Soumya Swaminathan, Trưởng nhóm chuyên gia của WHO, nhận định, Ấn Độ có thể đang bước vào một giai đoạn đặc hữu của dịch Covid-19, với việc tỷ lệ lây truyền thấp hoặc trung bình. Hiện không thấy sự gia tăng theo cấp số nhân như mức đỉnh điểm của dịch Covid-19 tại Ấn Độ cách đây vài tháng.
Chuyên gia này hy vọng, đến cuối năm 2022 sẽ có 70% dân số được tiêm phòng và khi đó quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới có thể trở lại trạng thái bình thường. Ở Đông Nam Á, sau Malaysia, Thái Lan, mới nhất là Indonesia đã đề nghị người dân tiêm vaccine liều thứ 3 hay liều tiêm tăng cường để thúc đẩy mục tiêu đưa Indonesia bước vào giai đoạn coi Covid-19 là bệnh đặc hữu.
Vẫn cảnh giác
Mặc dù kêu gọi thế giới nắm lấy cơ hội để chấm dứt đại dịch, song khả năng tiêm mũi nhắc lại trong tương lai vẫn là một ẩn số. Tại Mỹ, chỉ có khoảng một nửa số người tham gia tiêm vaccine Covid-19 đợt đầu đã được tiêm mũi nhắc lại. Nếu không tiếp tục tiêm mũi tăng cường, khả năng miễn dịch cộng đồng đối với các biến thể hiện tại, bao gồm cả Omicron, sẽ giảm dần theo thời gian.
Theo giới chuyên gia, mức độ miễn dịch của cộng đồng là một sự cân bằng bấp bênh, liên tục thay đổi khi các cá nhân cứ tăng rồi mất khả năng miễn dịch. Tuy không thể đo lường mức độ miễn dịch của mỗi cá nhân trong thời gian thực, nhưng các chuyên gia có thể ước tính mức độ rủi ro của cộng đồng dựa trên những gì đã biết về tỷ lệ tiêm chủng và các bệnh nhiễm trùng trước đó.
Bên cạnh đó, WHO cũng kêu gọi các nước châu Âu coi trọng hội chứng Covid-19 kéo dài trong bối cảnh ít nhất 17 triệu người ở khu vực châu Âu đã trải qua hội chứng này trong 2 năm đầu tiên của đại dịch. Với dự báo hàng triệu người ở châu Âu có thể mắc hội chứng Covid-19 kéo dài trong những năm tới, WHO cảnh báo các nước trong khu vực chú ý bằng cách gấp rút đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và hồi phục sức khỏe liên quan tới hội chứng này. Các nước trong khu vực châu Âu cần phải thừa nhận rằng hội chứng Covid-19 kéo dài là một vấn đề nghiêm trọng, gây ra hậu quả nghiêm trọng và do vậy, cần ứng phó nghiêm túc để ngăn chặn.