Ông Thiều Văn Hải, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hải Thành (Hậu Giang) cùng nông dân tiếp tục chọn giống lúa thơm sản xuất. Đây cũng là điểm nhấn quan trọng của nông dân ĐBSCL, mở ra cơ hội “đánh bóng thương hiệu” hạt gạo miền Tây.
Giống lúa chất lượng cao áp đảo
Không phải ngẫu nhiên ông Thiều Văn Hải được nông dân huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang chọn thuê để làm Giám đốc HTX Hải Thành. Ông Hải là người đi tiên phong trồng và bán lúa thơm trong 15 năm qua. Với 1,5ha đất, thu nhập từ trồng lúa thơm cao hơn 20%-30% so với trồng lúa thường, đã giúp ông tích lũy mua thêm và cơi nới đất trồng lúa thơm lên 6,6ha. Ông Hải trở thành một điểm sáng để nông dân trong HTX cùng đồng lòng sản xuất lúa thơm.
Theo Bộ NN-PTNT, vụ lúa đông xuân 2020-2021, vùng ĐBSCL xuống giống trên 1,55 triệu ha, sản lượng ước đạt 10 triệu tấn. Nhiều khả năng mùa khô 2021, hạn mặn đến sớm và diễn biến khốc liệt. Các địa phương như Kiên Giang, Hậu Giang, Tiền Giang… thuộc vùng chịu tác động lớn của hạn mặn phải tranh tranh thủ xuống giống sớm để né mặn vào cuối vụ. Cách đây hơn 5 năm, tỷ lệ giống lúa phẩm cấp thấp ở ĐBSCL chiếm khá lớn trong cơ cấu sản xuất, khi nông dân còn thói quen sử dụng giống lúa IR50404, chiếm tỷ lệ 30%-40%. Chính thời điểm này giá gạo xuất khẩu của Việt Nam luôn thua xa Thái Lan trên thị trường, nay điều đó đã thay đổi. “Giống lúa chất lượng cao hiện chiếm khoảng 80% diện tích, giống phẩm cấp thấp như IR 50404 chỉ còn dưới 8%... Đáng chú ý các giống lúa ST từ 3% cũng nhích dần lên 5% diện tích sản xuất của nông dân”, ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết.
Nhìn lại xuất khẩu gạo năm 2020, các doanh nghiệp ĐBSCL đã ghi điểm khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) chính thức có hiệu lực (tháng 8-2020). Đây là cánh cửa mở ra nhiều cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU.
Theo đó, mặt hàng gạo của Việt Nam sẽ được miễn thuế xuất khẩu vào EU khi EVFTA có hiệu lực (80.000 tấn gạo được hưởng ưu đãi thuế). Một số doanh nghiệp như Tập đoàn Lộc Trời, Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An… đã nhanh tay xuất khẩu gạo thơm vào thị trường EU. Sau gạo ST24 đến lượt gạo ST25 đăng quang ngôi gạo ngon nhất thế giới đã tạo ra vị thế nhất định cho hạt gạo Việt Nam trên thị trường. Riêng thị trường nội địa, giá gạo ST25 đã đạt mức giá bán “khá đỉnh” 35.000 đồng/kg (trên 1.000 USD/tấn) cũng không có gì khó hiểu khi giá xuất khẩu của dòng gạo ST vào thị trường EU trên 1.000 USD/tấn.
Vựa lúa miền Tây được “trời phú” với những đặc điểm sinh thái đa dạng, sản phẩm lúa gạo sẽ thỏa mãn nhiều phân khúc khác nhau như gạo đặc sản, gạo chất lượng cao và gạo theo phân khúc thị trường ngách chuyên biệt. Đây là bước tiến đáng ghi nhận của gạo Việt Nam. Câu chuyện quota - hạn ngạch xuất khẩu gạo được “cởi trói” trong những năm qua đã giúp hơn 100 doanh nghiệp tham gia vào thị trường xuất khẩu, với nhiều phân khúc xuất khẩu khác nhau đã tạo động lực hình thành các vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao, gạo đặc sản.
Theo các chuyên gia lúa gạo, nếu kiểm soát tốt chất lượng gạo xuất khẩu, sắp tới không chỉ hạn ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU sẽ tăng lên mà còn kích thích nhiều đối tác tìm kiếm mua gạo Việt Nam. Cơ hội “đánh bóng thương hiệu” đang mở ra với hạt gạo miền Tây.