Theo lịch trình, ngày 26-4, Tổng thống Yoon Suk-yeol sẽ hội đàm với người đồng cấp Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng. Giới quan sát nhận định, Triều Tiên sẽ là chủ đề chính được bàn thảo trong cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang tăng nhiệt. Tổng thống Yoon Suk-yeol được cho là đã và đang thúc đẩy vai trò của Hàn Quốc trong việc vận hành cái gọi là khả năng răn đe mở rộng của Mỹ - chiếc ô hạt nhân của Washington bảo vệ các đồng minh của mình.
Hai bên cũng có khả năng thảo luận về cuộc xung đột tại Ukraine. Hiện phương Tây ngày càng gây áp lực, buộc Hàn Quốc - nhà sản xuất đạn pháo lớn - phải hỗ trợ Ukraine nhiều hơn nữa. Thời gian qua, Seoul chỉ tập trung vào viện trợ nhân đạo và tài chính cho Kiev, cố gắng tránh gây mâu thuẫn với Nga, do lợi ích thương mại và ảnh hưởng của Moscow với Bình Nhưỡng.
Reuters nhận định, dường như Hàn Quốc đã có sự thay đổi khi ngày 18-4 vừa qua, ông Yoon Suk-yeol cho biết trong trường hợp xảy ra tấn công quy mô lớn nhằm vào dân thường hoặc một tình huống mà “cộng đồng quốc tế không thể tha thứ”, Chính phủ Hàn Quốc không thể chỉ hỗ trợ nhân đạo hoặc tài chính. Tuy nhiên, đến ngày 20-4, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nhấn mạnh lập trường của nước này “không thay đổi”, sau khi Moscow cảnh báo Seoul chớ triển khai vũ khí tới Kiev.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Lim Soo-suk, nước này đang “tích cực tham gia vào các nỗ lực quốc tế để bảo vệ tự do và khôi phục hòa bình của Ukraine, trong đó có hoạt động cung cấp viện trợ và hỗ trợ nhân đạo”. Các chủ đề khác có thể được đề cập là đẩy mạnh xây dựng chuỗi cung ứng ổn định hơn, mở rộng hợp tác về chip, pin và các lĩnh vực công nghệ cao khác.
Chuyến công du của Tổng thống Hàn Quốc lần này cũng đúng vào thời điểm Mỹ và Hàn Quốc kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ đồng minh. Phó Chánh Văn phòng An ninh quốc gia Hàn Quốc Kim Tae-hyo cho biết, đây thực sự là cơ hội để hai nước củng cố hơn nữa thế trận phòng thủ kết hợp, đồng thời tăng cường hợp tác an ninh kinh tế.