Diễn đàn đã thảo luận và đề xuất nhiều giải pháp tập trung vào 4 nội dung quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt đối với công cuộc chuyển đối số của Việt Nam giai đoạn hiện nay, đó là: khởi nguồn sáng tạo; ứng dụng và chuyển giao; kết nối trí thức trẻ phát triển nền kinh tế số, nhân lực số quốc gia; phát triển và thương mại hóa các giải pháp chuyển đổi số.
Trong đó, nhiều ý kiến được cho là “đánh trúng” nhu cầu thực tế là cần bổ sung kỹ năng, kiến thức về nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo cho đội ngũ trí thức trẻ nhằm đáp ứng yêu cầu của công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Các tham luận cũng xoáy sâu vào xu hướng ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản trị công, hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và giải quyết các vấn đề của xã hội.
Đặc biệt, các ý kiến tại diễn đàn đã thảo luận và phát triển các ý tưởng, sáng kiến, nghiên cứu về chuyển đổi số thành các dự án, sản phẩm thực tế, hướng đến phát triển giá trị kinh tế - xã hội đất nước trong thời kỳ mới, từ đó hình thành các định hướng ưu tiên trong nghiên cứu và ứng dụng chuyển đổi số vào thực tiễn. Các ý kiến này sẽ được tổng hợp trong một báo cáo đề xuất, khuyến nghị ngay sau khi diễn đàn kết thúc chiều 26-11, để gửi tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là quá trình chuyển đổi số, đang diễn ra mạnh mẽ, tạo nên những biến chuyển sâu sắc và toàn diện trong đời sống xã hội, thúc đẩy sự phát triển nhảy vọt trên nhiều lĩnh vực. Trong bối cảnh đó, lực lượng trí thức trẻ Việt Nam cũng đã thể hiện được vai trò của mình. Có thể kể đến những gương mặt nổi bật tại diễn đàn lần này như: Trần Mạnh Hùng đến từ Data Scientist, Ericsson, Thụy Điển, chuyên gia về khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, khoa học máy tính; Lê Bắc Việt đến từ Postdoctoral Fellow, Temple University School of Medicine, Hoa Kỳ, chuyên gia nghiên cứu ung thư, tái tạo gene; Bùi Bá Chính, Giám đốc Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia; Nguyễn Trường Phi, Cục Ứng dụng Công nghệ, Bộ KH-CN… Họ đều vươn mình ra tầm quốc tế, đạt được nhiều vị trí quan trọng trong các cơ sở kinh tế, khoa học hàng đầu thế giới.
Bên cạnh diễn đàn được tổ chức thường niên, một mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu với hơn 1.000 thành viên đã được hình thành. Những kết quả nghiên cứu của mạng lưới này đã nhận được đầu tư của các quỹ hỗ trợ nghiên cứu trong và ngoài nước. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, cơ chế nào để khuyến khích, động viên trí thức trẻ đóng góp trí tuệ, năng lực sáng tạo một cách hiệu quả hơn vào công cuộc phát triển đất nước? Giải pháp nào để sớm đưa những ý kiến đóng góp tâm huyết, những công trình nghiên cứu của trí thức trẻ vào thực tiễn, không để những tâm huyết, trăn trở của trí thức trẻ chỉ dừng lại ở diễn đàn? Về vấn đề này, đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn trân trọng và sẽ nghiên cứu tiếp thu những ý tưởng, giải pháp, kiến nghị của đội ngũ trí thức trẻ để thể chế hóa thành những chủ trương, chính sách phù hợp với mục tiêu phát triển của đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi, hiệu quả “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Có thể thấy, Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu đã thêm một lần nữa tạo cơ hội cho các trí thức trẻ đóng góp năng lực, trí tuệ, vì một Việt Nam hiện đại và thịnh vượng như mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.