Tại cuộc điện đàm, với nỗ lực đưa quan hệ Paris và Washington thoát khỏi khủng hoảng ngoại giao song phương chưa từng có, Tổng thống Mỹ tái khẳng định “tầm quan trọng chiến lược của sự can dự của Pháp và châu Âu vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, cũng như tầm quan trọng của một nền quốc phòng châu Âu “mạnh mẽ và hiệu quả hơn, đóng góp tích cực vào an ninh xuyên Đại Tây Dương và toàn cầu, có tính chất bổ trợ cho khối NATO”.
Trong bối cảnh quan hệ của Paris với Canberra và Washington đột ngột căng thẳng do khủng hoảng thương vụ tàu ngầm, dư luận lại chú ý đến quan hệ giữa Pháp và Ấn Độ, một nước rất thân cận với Mỹ lẫn Australia, đang vững uy thế trong vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nhiều nhà quan sát cho rằng đã đến lúc Pháp nên quay lại thắt chặt quan hệ với Ấn Độ, nước từ nhiều năm qua vẫn có tham vọng hiện đại hóa hải quân trong khu vực này.
Thắt chặt quan hệ với Ấn Độ cũng đáp ứng tham vọng thay đổi chiến lược quay lại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Pháp.
Năm 2019, lần đầu tiên tàu sân bay duy nhất của Pháp Charles-de-Gaulle đến Thái Bình Dương.
Trong 2 năm qua, Paris điều thẳng lực lượng từ Pháp đến khu vực để hỗ trợ cho khoảng 7.000 quân nhân đồn trú rải rác từ đảo Réunion (Ấn Độ Dương) đến Papeete (Thái Bình Dương) để khẳng định chủ quyền và lợi ích trong vùng biển rộng lớn này.
Tháng 2-2021 đánh dấu thời điểm lần đầu Pháp triển khai chiến dịch Marianne đưa tàu ngầm hạt nhân vào Biển Đông. Sau cú “đâm sau lưng” gây ồn ào những ngày qua, Paris có thể sẽ rút ra những bài học cần thiết, quay lại tăng cường với Ấn Độ và cởi mở hơn nhiều trong các dự án cung cấp tàu ngầm cho các nước khác.
Cuộc khủng hoảng tàu ngầm với các đồng minh Mỹ, Australia đang làm Pháp cay cú có thể là cơ hội để Ấn Độ nắm bắt, thúc đẩy Pháp chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực đóng tàu ngầm, nhất là lớp tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân mà Ấn Độ rất ao ước có được.