Cơ hội cho Việt Nam

Từ thú chơi đến nghề kinh doanh
Cơ hội cho Việt Nam

Lễ hội Bonsai châu Á - Thái Bình Dương

Liên đoàn Hữu nghị Bonsai châu Á - Thái Bình Dương (ABFF) đã chọn Việt Nam là nước tổ chức Lễ hội Bonsai châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 5. Sự kiện này sẽ diễn ra tại TPHCM (Công viên Đá Nhật Bản, xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn) từ ngày 5 đến 8-6.

Trước đó, ABFF đã luân phiên tổ chức 2 năm/lần tại Indonesia (năm 2004), lãnh thổ Đài Loan (năm 2006), Thái Lan (năm 2009) và Philippines (năm 2013).

Bonsai - một nghệ thuật sống

Theo ông Võ Văn Cương, Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TPHCM, có 8 quốc gia thành viên ABFF và 8 nước trong khu vực châu Á và châu Âu tham dự, gồm Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, lãnh thổ Đài Loan, Singapore, Philippines, Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Ý, Mỹ, Cộng hòa Séc… Trong nước, các nhà vườn, nghệ nhân bonsai nổi tiếng ở các vùng miền cả nước đều tham dự như Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận... cùng các tỉnh vùng Đông và Tây Nam bộ với 15 nhà vườn tiêu biểu cũng đăng ký.

Hiện có 614 tác phẩm của 30 tỉnh, thành tham gia trưng bày như bonsai các loại, đá cảnh, đá nghệ thuật, thư pháp, gỗ lũa… từ các tỉnh thành, trong đó có 390 tác phẩm dự thi. Ban tổ chức cho biết, lễ hội sẽ có phần biểu diễn kỹ thuật tạo tác bonsai do các nghệ nhân trong nước và quốc tế thực hiện, cùng với việc giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các nghệ nhân bonsai thế giới. Hội thi Bonsai (đại, trung, tiểu, mini) và tiểu cảnh cũng là điểm nhấn của lễ hội. Ban tổ chức còn tổ chức các chuyến tham quan cho đoàn khách quốc tế, kể cả trong nước đến các nhà vườn nổi tiếng ở Bến Tre, Sa Đéc (Đồng Tháp), Long Xuyên (An Giang)…

Một góc Công viên Đá Nhật Bản tại huyện Hóc Môn, nơi diễn ra Lễ hội Bonsai châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 5 của ABFF.

Tiến sĩ Trần Viết Mỹ, Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TPHCM cho biết, ABFF là tên viết tắt của tổ chức Asia - Pacific Bonsai Friendship Federation, bộ phận của Liên đoàn Hữu nghị bonsai thế giới (WBFF). Trụ sở của liên đoàn được đặt tại quốc gia nơi mà Chủ tịch ABFF cư trú (luân phiên 2 năm một lần). ABFF có 8 quốc gia thành viên, trong đó, Việt Nam là thành viên từ năm 2002 do Chi hội Bonsai, thuộc Hội Sinh vật cảnh TPHCM đại diện. ABFF hoạt động như một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận với mục đích là xúc tiến và truyền bá toàn châu Á - Thái Bình Dương về nghệ thuật bonsai, một nghệ thuật sống xuất hiện cả ngàn năm ở khu vực này để mọi người dù là chủng tộc, tôn giáo hay nguồn gốc dân tộc nào cũng có thể thưởng ngoạn. Thông qua ABFF, các quốc gia thành viên chủ động trao đổi kiến thức, kỹ thuật, thông tin... liên quan tới nghệ thuật bonsai tại các quốc gia châu Á, góp phần thúc đẩy các mối quan hệ hữu nghị và thiện chí. Các cuộc triển lãm bonsai định kỳ, các hoạt động chuyên môn như hội nghị, trình diễn kỹ thuật, hội thảo chuyên đề, các hoạt đông xúc tiến thương mại… được khuyến khích.

Từ thú chơi đến nghề kinh doanh

Theo bà Hoàng Ny (Nguyễn Thị Hoàng), Phó Chủ tịch ABFF, lễ hội bonsai khu vực châu Á - Thái Bình Dương tạo điều kiện cho các nghệ nhân trong nước có cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các nghệ nhân nổi tiếng trên thế giới về nghệ thuật và kỹ thuật tạo tác bonsai cùng những vấn đề liên quan đến ngành cây kiểng thuộc nhiều trường phái trên thế giới, chủ yếu ở phương Đông. Đây còn là cơ hội cho bonsai Việt Nam hội nhập sâu vào trào lưu bonsai khu vực và thế giới. Qua các hoạt động giao lưu, triển lãm còn giúp bạn bè thế giới hiểu hơn về văn hóa, xã hội, con người Việt Nam. Ông Ngô Chánh, Ủy viên Thường vụ Hội Sinh vật cảnh TPHCM cho rằng, TPHCM đang chuyển dịch sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị và công nghệ cao, trong đó hoa kiểng (bao gồm bonsai các loại)… là một trong những cây con được khuyến khích sản xuất với giá trị kinh tế cao. Vì vậy, việc TPHCM đứng ra tổ chức không chỉ phù hợp xu thế mà còn có ý nghĩa rất lớn trong việc tạo động lực cho các nhà vườn, cũng là dịp để mọi người có điều kiện tham quan, tìm hiểu xu hướng phát triển cũng như xác định được cấp độ ngành bonsai Việt Nam và khả năng tham gia vào thị trường bonsai khu vực và thế giới.

Bà Hoàng Ny cho rằng, đây cũng là dịp để các nước biết đến ngành bonsai Việt Nam, tuy còn non trẻ so với các nước nhưng lại có bước phát triển mạnh, trước đây chỉ có cây đơn thuần để chơi, nay có hàng chợ, hàng độc, hàng chọn (cho từng thị trường) và hàng tuyển. Tuy vậy, bonsai Việt Nam vẫn chưa thực sự tham gia mạnh mẽ vào thị trường khu vực và thế giới. Sự kiện này còn giúp nâng cao kiến thức về nghệ thuật bonsai cho rộng rãi bộ phận những người yêu thích sinh vật cảnh, và là cơ hội tốt cho việc xúc tiến thương mại trong xuất khẩu bonsai và sản phẩm sinh vật cảnh.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục