Cơ hội cho mạng viễn thông ảo

Xét về lợi thế, mạng viễn thông ảo (Mobile Virtual Network Operator - MVNO) không phải đầu tư hạ tầng, mà chỉ mua lưu lượng của nhà mạng có hạ tầng, rồi kinh doanh.

Như vậy, các MVNO chỉ tập trung thiết kế sản phẩm phù hợp với khách hàng và sẽ nhắm đến thị trường phù hợp chứ không đại trà như các nhà mạng.

Đã cấp phép 5 mạng di động ảo

Tháng 6-2023, Bộ TT-TT cấp phép MVNO cho Công ty CP Bán lẻ FPT (FPT Retail). Với lợi thế về kênh phân phối lớn và hệ sinh thái số, sức mạnh công nghệ của công ty mẹ là FPT, mạng MVNO của FPT Retail kỳ vọng sẽ có sức hút, thuyết phục được người dùng. Trước đó, thị trường Việt Nam đã có những MVNO gồm: iTel (thuộc Công ty CP Viễn thông Đông Dương Telecom, với đầu số 087), Wintel (Tập đoàn Masan, đầu số 055), Local (Công ty CP Viễn thông Asim, đầu số 089), VNSKY (thuộc hệ sinh thái VNPAY, với đầu số 0777).

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc mạng di động VNSKY, cho rằng, với sự bùng nổ của những nền tảng kết nối, học tập, giải trí và kinh doanh online, chiếc SIM thứ nhất với các dịch vụ viễn thông truyền thống không còn đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng dữ liệu di động (mobile data) ngày càng cao của người tiêu dùng. Sự hiện diện của VNSKY với định vị là SIM thứ hai mang đến data lớn cùng giá cước rẻ, giúp khách hàng có thêm sự lựa chọn để kết nối không giới hạn với thế giới số mỗi ngày.

Trẻ em sử dụng thiết bị thông minh kết nối internet. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Trẻ em sử dụng thiết bị thông minh kết nối internet. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Hiện gói cước rẻ nhất của mạng MVNO tại Việt Nam là gói cước “Data 6GB” của mạng VNSky. Gói cước này có giá 27.500 đồng, bao gồm 6GB data tốc độ cao, miễn phí 1.000 phút gọi nội mạng VNSky và MobiFone, miễn phí 50 phút gọi ngoại mạng dành cho những người dùng có nhu cầu sử dụng data và gọi thoại cơ bản. Trong khi đó, gói cước rẻ nhất của mạng di động “truyền thống” tại thị trường Việt Nam là gói cước “ST5K” của mạng Viettel, có giá 5.000 đồng, bao gồm 500MB data tốc độ cao, miễn phí 50 phút gọi nội mạng Viettel. “Nếu chọn lựa sự tối ưu về giá thành, em có thể chọn lựa gói Data 6GB của mạng VNSky phục vụ cho học tập và giải trí…”, Sơn Thanh, sinh viên Trường Đại học Mở TPHCM, nêu ý kiến.

Theo số liệu của Bộ TT-TT, thị trường viễn thông di động Việt Nam hiện có gần 130 triệu thuê bao. Trong đó, 3 mạng di động lớn là Viettel, VinaPhone và MobiFone chiếm khoảng 95% thị phần; số còn lại thuộc Vietnamobile và các MVNO. Riêng các MVNO hiện đang có khoảng 2,6 triệu thuê bao, chiếm gần 2% tổng số thuê bao di động ở Việt Nam.

Đa dạng loại hình dịch vụ

Trên thế giới, thị phần thuê bao các mạng MVNO chiếm 15%-20% và đang có dấu hiệu tăng, dự kiến doanh thu của MVNO đến năm 2028 khoảng 123,4 tỷ USD. Còn tại Việt Nam, khi có sự đầu tư của các tập đoàn kinh tế lớn, các MVNO mới định hình thương hiệu và mô hình kinh doanh. Đầu tiên là Bitexco với mạng iTel, tiếp đó là Masan với Wintel và VNPAY với VNSKY. Cả 3 MVNO này đều đang được nhận diện thương hiệu và phát triển thuê bao khá tốt.

Với iTel, sau 3 năm gia nhập thị trường đã có khoảng 1 triệu thuê bao phát sinh cước thường xuyên và đã có lãi hàng chục tỷ đồng. Trong quý 1-2023, Wintel phát triển được hơn 122.000 thuê bao, đạt doanh thu 16,48 tỷ đồng, tăng 457% so với cùng kỳ năm 2022. VNSKY đặt mục tiêu kết nối 5 triệu người dùng vào năm 2025 và trở thành một trong 5 MVNO lớn nhất tại Việt Nam…

MVNO không còn là khái niệm mới. Thế nhưng, số lượng hơn 2,6 triệu thuê bao MVNO là một con số khiêm tốn, dịch vụ các nhà mạng ảo đang cung cấp cũng tương đối hạn chế, chưa có những dịch vụ thực sự tạo thế mạnh. Để thúc đẩy MVNO phát triển khi đã có mạng di động tốc độ truy cập Internet tăng rất nhanh và vùng phủ sóng rộng lớn với hơn 89% dân số, các chuyên gia viễn thông khuyến nghị các MVNO nên tìm kiếm cung cấp dịch vụ trên nền internet thực sự mang lại lợi ích cho người dùng, như các dịch vụ về tài chính, học tập, những dịch vụ liên quan đến thị trường mà nhà mạng lớn không cung cấp.

Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT-TT), hiện thị trường di động Việt Nam đang có ARPU (doanh thu trung bình trên một khách hàng) thấp và bị cạnh tranh mạnh từ dịch vụ OTT. Vì vậy, việc các nhà mạng viễn thông ảo tham gia cung cấp dịch vụ được kỳ vọng sẽ góp phần đa dạng hóa các loại hình dịch vụ phục vụ chuyển đổi số, trong các lĩnh vực tài chính, giáo dục, sức khỏe, giải trí...

“Trong quá trình sửa đổi Luật Viễn thông, chúng tôi đã đưa chính sách bán sỉ dung lượng vào Luật Viễn thông nhằm tạo ra hành lang pháp lý quy hoạch hơn, dễ dàng hơn để các nhà mạng có thể đàm phán với nhau trong quá trình mua lưu lượng cũng như cung cấp dịch vụ chất lượng cao với giá thành tốt”, ông Nguyễn Phong Nhã cho biết thêm.

Theo Bộ TT-TT, so với các nước trong khu vực, số lượng doanh nghiệp MVNO ở Việt Nam còn hạn chế, thị trường chưa phát triển. Trên thế giới hiện có khoảng 1.300 doanh nghiệp MVNO đang hoạt động tại 79 quốc gia; trong đó châu Âu có 585 doanh nghiệp, châu Á - Thái Bình Dương có 129 doanh nghiệp, Bắc Mỹ có 107 doanh nghiệp. Hiện nay, một số quốc gia có thị phần các doanh nghiệp MVNO lớn như: Nhật Bản có 83 doanh nghiệp (thị phần 10,6%); Mỹ có 139 doanh nghiệp (4,7%); Đức có 135 doanh nghiệp (19,5%); Australia có 66 doanh nghiệp (13,1%); Hàn Quốc có 44 doanh nghiệp (12%)... Các nước trong khu vực cũng có thị trường MVNO phát triển, mang đến nhiều dịch vụ mới cho người sử dụng, như Thái Lan có 12 doanh nghiệp, Malaysia có 8 doanh nghiệp...

Tin cùng chuyên mục