Muốn phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, thì phải đầu tư phát triển hạ tầng số và hạ tầng số phải đi trước một bước. Trước đây, hạ tầng viễn thông thường được xem là độc lập, thì hiện nay với sự phát triển và hội tụ giữa viễn thông và công nghệ thông tin, hạ tầng viễn thông đã chuyển mình trở thành hạ tầng số. Đây là sự phát triển mới và Việt Nam đang đồng hành cùng thế giới trong việc xác định nội hàm và xây dựng hạ tầng số. Quá trình này chính là thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia, trong đó, kinh tế số là lĩnh vực dễ nhìn thấy, tiếp cận nhất.
Kinh tế số được hiểu là nền kinh tế dựa trên các công nghệ kỹ thuật số, là các giao dịch điện tử tiến hành thông qua internet. Kinh tế số hiện diện trên tất cả các lĩnh vực và hoạt động kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, phân phối và lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, tài chính ngân hàng, thương mại điện tử...).
Về bản chất, đây là các mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của nền kinh tế dựa trên ứng dụng công nghệ số. Hoạt động và phát triển của kinh tế số không thể tách rời khỏi hạ tầng số, bao gồm hạ tầng viễn thông và hạ tầng dữ liệu. Hiện nay, Bộ TT-TT đưa ra mục tiêu phát triển hạ tầng số là phải làm chủ hạ tầng băng rộng, bao gồm hạ tầng thiết bị 5G cũng như làm chủ các công nghệ, nền tảng số theo hướng Make in Viet Nam.
Bộ TT-TT đã báo cáo Chính phủ đưa ra mục tiêu Việt Nam phải lọt vào tốp 30 các nước có hạ tầng số phát triển vào trước năm 2025. Theo các chuyên gia, tập trung vào băng thông rộng di động sẽ giúp hoàn thành các nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Các quốc gia trên thế giới đều tin rằng sự tăng trưởng của việc sử dụng băng thông rộng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, theo ước tính của nhiều quốc gia, nếu tăng được 1% mức phổ biến, sử dụng băng thông rộng, có thể dẫn đến tăng trưởng 0,023% GDP.
Năm 2022, Bộ TT-TT đặt mục tiêu thực hiện việc phủ sóng mạng băng rộng di động tốc độ trên 1Gb đến các khu công nghiệp, khu công nghệ cao; 100% người trưởng thành có điện thoại thông minh; 75% hộ gia đình có FTTH (internet cáp quang); 85% thuê bao băng rộng di động. Đây chính là nền tảng số hết sức quan trọng cho việc phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Và đó cũng chính là môi trường, cơ hội để mọi người dân, tổ chức tiếp cận dễ dàng, hình thành phát triển nền kinh tế số đúng nghĩa.
Hệ thống hạ tầng viễn thông mạnh, đồng bộ và đang được tiếp tục đầu tư, phát triển; dân số gần 100 triệu dân và mức độ phổ cập băng thông rộng (cả di động và cố định) ngày càng lớn; quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ và toàn diện… Tất cả đang hội tụ và sẵn sàng để Việt Nam có bước đột phá về kinh tế số ngay ở thời điểm này.