Ở Nhật Bản, nhiều bà mẹ đơn thân đang tìm kiếm cơ hội việc làm tại các thành phố nhỏ ở vùng nông thôn.
Mitsue Murakami mới ly hôn và sống ở Yokohama, thành phố lớn thứ hai của Nhật. Cô làm việc bán thời gian ở bệnh viện, giờ giấc thuận tiện, nhưng lương bổng không đủ để nuôi 2 đứa con trai sinh đôi 10 tuổi. Sau khi tìm kiếm khoảng 10 chương trình trợ cấp của chính phủ để kiếm một việc làm toàn thời gian, cô tìm được một công việc hấp dẫn ở Hamada, một thành phố chỉ với 55.000 dân ở vùng bờ biển Tây Nam Nhật Bản. Ở đây, cô được đào tạo thành trợ lý của một trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, được trợ cấp 1/2 tiền thuê nhà và trợ cấp nuôi con cho năm đầu tiên làm việc, cùng với một khoản tiền thưởng gần 9.000 USD sau khi hoàn thành khóa đào tạo.
Trước đây, Murakami chất mọi thứ lên một chiếc xe cho thuê, đưa cả 2 con trai rong ruổi nhiều nơi để bắt đầu cuộc sống mới sau khi ly hôn. Giờ đây, mỗi buổi sáng gia đình cô thức dậy giữa xung quanh là những ngọn núi và những cánh đồng lúa rực rỡ. Murakami đi làm bằng xe của chính quyền thành phố Hamada cấp. Con trai của cô hòa nhập tốt ở trường. Những người hàng xóm thì giúp cô trồng rau. Những đứa trẻ rất hạnh phúc và cô biết ơn sự cưu mang của thành phố này.
Đứng trước viễn cảnh Nhật Bản được dự báo sẽ mất khoảng 30% dân số vào năm 2065, những vùng có sự sụt giảm dân số nhanh như Hamada đang nỗ lực thu hút các gia đình đơn thân, đặc biệt là các bà mẹ đơn thân như Murakami bằng các chương trình tái định cư nhằm hy vọng hai bên đều có lợi. Khi các bà mẹ đơn thân tìm đến Hamada, chính quyền đều tìm cách chào đón họ bằng những sự kiện và giúp đỡ họ điều chỉnh cuộc sống.
Nước Nhật đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học: hơn 1/4 dân số trên 65 tuổi. Đối với nhiều thành phố nhỏ và những vùng nông thôn, sự thiếu hụt lao động là vấn đề cấp bách. Hamada không có đủ y tá để chăm sóc người cao tuổi. Nhiều nơi không chỉ đón nhận cha hoặc mẹ đơn thân mà còn bất cứ công dân Nhật Bản nào sẵn sàng chuyển đến. Các cộng đồng này hy vọng chương trình tái định cư của họ còn có thể bù đắp cho thực trạng thiếu hụt trẻ sơ sinh.
Còn đối với chính phủ, việc mở ra cơ hội làm việc cho phụ nữ không chỉ là vấn đề của bình đẳng mà đó là vấn đề sống còn của nền kinh tế. CSMonitor dẫn báo cáo của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) cho biết 85% các bà mẹ đơn thân Nhật đi làm thì có tới 51% vẫn sống trong nghèo đói. Đã vậy, phụ nữ đi làm toàn thời gian chỉ có được 74% mức lương của nam giới. Mặc dù Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có nhiều ưu tiên cho phụ nữ qua chính sách Womenomics nhằm gia tăng sự tham gia của nữ giới vào lực lượng lao động, nhưng văn hóa ứng xử, phân biệt tại môi trường làm việc của Nhật Bản vẫn tồn tại nhiều quan niệm cổ hủ. Mọi người nhìn các bà mẹ đơn thân như thể họ là vấn đề, nhất là ở Nhật Bản vẫn khó chấp nhận phụ nữ vừa đi làm vừa có thể kết hợp công việc với gia đình.