Kiểm soát gắt gao
Theo Báo The Times of India, từ 5 giờ sáng 8-9 đến 24 giờ ngày 10-9, toàn bộ New Delhi được coi là “vùng kiểm soát”. Khoảng 130.000 nhân viên an ninh đã được triển khai. Trung tâm hội nghị Bharat Mandapam (nơi tổ chức hội nghị) và các khách sạn nơi các nhà lãnh đạo thế giới lưu trú sẽ được phong tỏa.
Việc phân luồng giao thông ở trong và xung quanh thủ đô New Delhi, từ ngày 7 đến 10-9, được quy định hết sức nghiêm ngặt. Sở Cảnh sát New Delhi đã cho dừng toàn bộ xe chở hàng hóa từ các khu vực biên giới vào thủ đô từ 21 giờ ngày 7-9, chỉ trừ các xe chở hàng hóa thiết yếu như sữa, rau củ, trái cây, thuốc men…Trong khi đó, trường học, ngân hàng, cơ sở kinh doanh và tất cả các cơ quan chính phủ sẽ đóng cửa. Ngay cả các công ty giao hàng thực phẩm và thương mại điện tử cũng không được phép hoạt động ở các khu vực liền kề địa điểm tổ chức hội nghị.
Theo kênh DW, hơn 1.000 chuyến bay sẽ bị hủy hoặc phải điều chỉnh giờ bay, gần 300 chuyến tàu đến New Delhi nhiều khả năng cũng bị ảnh hưởng. Từ nửa đêm 8-9, một số tuyến đường tại thủ đô bị hạn chế đi lại để đảm bảo cho giao thông được thông suốt trong hai ngày diễn ra sự kiện…
Cơ hội cuối cùng
Hơn 30 nguyên thủ và lãnh đạo cấp cao đến từ Liên minh châu Âu, các khách mời và 14 người đứng đầu các tổ chức quốc tế tụ họp tại New Delhi. Theo giới quan sát, chương trình nghị sự tại hội nghị lần này nhiều khả năng sẽ tập trung vào các vấn đề như: quy định về tiền điện tử, cải cách ngân hàng phát triển đa phương, đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số công, tài trợ cho chống biến đổi khí hậu, xây dựng các khuôn khổ giảm nợ chung cho các quốc gia đang gặp khó khăn và cải thiện các chuỗi giá trị toàn cầu.
Một số ý kiến nhận định, cuộc xung đột tại Ukraine và tình trạng mất an ninh lương thực, năng lượng toàn cầu có thể sẽ ảnh hưởng đến thông cáo chung của hội nghị. Không loại trừ khả năng hội nghị thượng đỉnh tại New Delhi kết thúc chỉ với một bản tóm tắt của chủ tọa, trong đó ghi nhận và liệt kê các nội dung đã được thảo luận. Quan điểm trên được đưa ra khi có sự thiếu đồng thuận về một số vấn đề do Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vắng mặt tại hội nghị năm nay.
Ông Michael Kugelman, Giám đốc Viện nghiên cứu Nam Á thuộc Trung tâm Wilson (Mỹ), cho rằng G20 đang trải qua thời điểm địa chính trị rất khó khăn.
“Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, khi Mỹ và đồng minh bất đồng với Nga, Trung Quốc, mọi chuyện sẽ trở nên rất rắc rối”, ông Kugelman nói.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh xung đột tại Ukraine bước sang năm thứ hai cho thấy thế giới thật sự đang bị chia rẽ. Những thách thức này thực tế đã làm khó nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Indonesia vào năm ngoái và đến nay, tình hình vẫn chưa được cải thiện. Ông Kugelman cho rằng hội nghị tại New Delhi lần này là cơ hội để G20 chứng tỏ có thể làm một điều gì đó hiệu quả.