Chuẩn bị sớm để không bị động
Thời điểm này, hệ thống siêu thị Co.opmart thuộc Saigon Co.op ở khu vực các tỉnh, thành miền Tây Nam bộ như Long An, Cần Thơ, Đồng Tháp, Cà Mau, Kiên Giang… đều đã hoàn tất kế hoạch tăng lượng hàng dự trữ lên 30%-50% so với tháng kinh doanh thường. Nhóm hàng được dự trữ tập trung vào thực phẩm công nghệ, thực phẩm chế biến, gạo, nước mắm… và sản phẩm được người tiêu dùng mua sắm nhiều dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Tương tự, nhiều DN ở các địa phương trong vùng Tây Nam bộ cũng khẳng định sẽ đảm bảo cân đối cung - cầu và có thể tăng sản lượng dịp Tết Nguyên đán 2023 so với ngày thường, không để đứt gãy nguồn hàng. Việc này nhằm đảm bảo nguồn hàng hóa chất lượng, giá cả phù hợp để góp phần bình ổn thị trường. “Năm nay giá cả nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí sản xuất tăng nên có thể giá sản phẩm sẽ tăng chút ít so với năm trước. Do đó, chúng tôi đã chuẩn bị nguồn hàng từ đầu tháng 10 để sản xuất không bị đứt gãy, đồng thời tránh việc tăng giá đột biến cho sản phẩm”, giám đốc một DN thực phẩm tại TP Cần Thơ chia sẻ.
Thực tế, để có sự vào cuộc của DN, ngay từ giữa năm 2022, Sở Công thương các địa phương trong vùng đã lên kế hoạch và vận động DN tham gia chuẩn bị hàng hóa tết, trong đó chú trọng các mặt hàng cho Chương trình bình ổn thị trường. Đơn cử như tỉnh An Giang, theo Sở Công thương tỉnh này, đến nay đã có 21 DN chủ lực của An Giang đăng ký tham gia bình ổn thị trường những tháng cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán 2023. Tổng số tiền dự trữ dự kiến 4.191 tỷ đồng, tăng 4,6% so với kế hoạch năm 2021 (4.000 tỷ đồng). So với năm 2021, kế hoạch bình ổn thị trường hàng hóa năm nay có nhiều nét mới nhằm phát huy vai trò của DN trong việc chủ động dự trữ hàng hóa, đảm bảo cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu.
Tại TP Cần Thơ, hiện đã có 17 DN đăng ký tham gia bình ổn thị trường với tổng giá trị hàng hóa dự trữ hơn 2.236 tỷ đồng, phục vụ từ tháng 10-2022 đến tháng 3-2023; trong đó giá trị hàng hóa chuẩn bị cho 3 tháng cuối năm 2022 là 998 tỷ đồng, 3 tháng đầu năm 2023 là 1.237 tỷ đồng.
Nỗ lực giữ ổn định giá
Theo các DN, nhà phân phối, năm nay mặc dù giá nguyên liệu đầu vào cùng nhiều chi phí khác tăng cao, song các DN quyết tâm giữ giá ổn định.“Chúng tôi khẳng định từ bây giờ cho tới trước và sau Tết Nguyên đán 1 tháng, giá các sản phẩm gạo của công ty sẽ giữ nguyên giá bán”, đại diện Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ), cho biết.
Bên cạnh việc giữ giá hàng hóa, theo lãnh đạo các Sở Công thương khu vực Tây Nam bộ, để chủ động nắm tình hình, các Sở Công thương sẽ thường xuyên theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân. Đồng thời, phối hợp lực lượng quản lý thị trường thường xuyên kiểm tra, giám sát thị trường; nắm tình hình chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ bình ổn thị trường và việc thực hiện các quy định về kinh doanh. Từ đó, có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại; tăng cường kiểm soát các hành vi vi phạm pháp luật về giá, chất lượng sản phẩm, hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật.
Theo các Sở Công thương, hiện DN sản xuất cũng như nhà bán lẻ trong vùng Tây Nam bộ còn đăng ký các chương trình khuyến mãi từ 10%-50% để phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp cuối năm. Các Sở Công thương nhận định, với lượng hàng hóa chuẩn bị tăng hơn mọi năm, đặc biệt là hàng bình ổn chiếm số lượng lớn nhu cầu thị trường, giá cả hàng hóa cuối năm sẽ ít biến động.