Trong bài phát biểu với các nghị sĩ Liên minh Xã hội Cơ Đốc giáo (CSU) của Đức, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nêu rõ: “Năm nay sẽ là cơ hội quan trọng để tái thiết quan hệ xuyên Đại Tây Dương và tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa châu Âu và Bắc Mỹ. Vì vậy, chúng ta cần sát cánh cùng nhau”.
Trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần chỉ trích các đồng minh vì không đóng góp nhiều hơn vào ngân sách của NATO, gây ra nhiều mâu thuẫn giữa hai bờ Đại Tây Dương cũng như sự thờ ơ của Washington với các hoạt động của NATO. Việc ông Trump cho rằng các quốc gia châu Âu phải đóng góp đạt 2% GDP vào ngân sách NATO đến năm 2024 đang khó thành hiện thực vì chỉ có 10/30 thành viên NATO ở châu Âu đạt được con số này. Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden theo chủ nghĩa xuyên Đại Tây Dương chắc chắn sẽ có chính sách ít cứng rắn hơn so với người tiền nhiệm về vấn đề này. Mỹ cần nhiều hơn nữa từ các thành viên NATO ở châu Âu về quốc phòng nhưng Mỹ cũng nhận ra rằng chỉ thúc ép các quốc gia thành viên tăng chi tiêu là không hiệu quả.
Thật vậy, sự gia tăng trong chi tiêu quốc phòng của bất kỳ thành viên nào sẽ không tự động giúp cải thiện hoạt động của NATO, vốn đang bị cản trở bởi sự kém hiệu quả. Ví dụ, tuy Đức là cường quốc kinh tế mạnh nhất châu Âu nhưng rất ít trực thăng tấn công của Đức sẵn sàng chiến đấu. Ngược lại, quân đội Pháp rất có năng lực tham gia vào các hoạt động tác chiến tích cực nhưng phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Mỹ.
Hơn nữa, khi các quốc gia châu Âu chi tiêu cho quốc phòng, hầu hết đều phân bổ quá ít ngân sách cho nghiên cứu và phát triển. Nhà phân tích quốc phòng châu Âu Sven Biscop của Viện Egmont đánh giá: “Tình trạng lực lượng vũ trang châu Âu và sự phụ thuộc của họ vào Mỹ về cơ bản sẽ không thay đổi, ngay cả khi tất cả họ đều chi tiêu 2% GDP”. Do đó, theo ông, để cải thiện quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương trong NATO, ngoài chuyện đóng góp ngân sách, các nước thành viên còn phải cải tổ hoạt động của khối nhằm giảm bớt sự phụ thuộc của châu Âu vào Mỹ.