Thúc đẩy phục hồi sản xuất
Sau Hội nghị thượng đỉnh liên Triều, dư luận đang trông chờ vào kết quả hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên, bởi nó sẽ đánh dấu bước ngoặt mới trong chính sách ngoại giao của 2 quốc gia. Chuyến thăm Bình Nhưỡng của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngay trong giai đoạn đầu nhậm chức, cho thấy Washington muốn đảm bảo hội nghị diễn ra đạt được kết quả như mong muốn. Một trong những chủ đề được thảo luận là mở cửa nền kinh tế Triều Tiên.
Tiết lộ sau cuộc hội đàm với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, ông Mike Pompeo cho biết, Mỹ cam kết hỗ trợ xây dựng kinh tế Triều Tiên và sẵn sàng tạo điều kiện cho các công ty tư nhân xúc tiến đầu tư ở nước này với điều kiện, 2 bên phải đạt được thỏa thuận hạt nhân.
Thậm chí, Mỹ cũng sẽ hỗ trợ kinh tế Triều Tiên phát triển thịnh vượng ngang với Hàn Quốc. Kết quả của hội nghị sắp tới chưa thể khẳng định, nhưng dư luận cho rằng, Triều Tiên cần cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều thành công, cần dựa vào đó để có được sự đầu tư kinh tế của bên ngoài để chính phủ vận dụng và phân phối những nguồn lực này. Triều Tiên cũng cần làm dịu sức ép quân sự và kinh tế để có được thời gian sắp xếp lại cơ cấu xã hội và kinh tế trong nước.
Theo báo chí phương Tây, trước lệnh trừng phạt có sức ép lớn từ cộng đồng quốc tế, Triều Tiên đã dần mất đi động lực phát triển kinh tế, phải đối mặt với tình hình cạn kiệt nguồn ngoại hối, gánh nặng quá lớn về tiêu thụ trong nước dẫn đến hiện tượng kinh tế suy thoái nghiêm trọng. Số liệu thống kê của hải quan Trung Quốc cho biết, kể từ tháng 2-2017 đến nay, Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu than từ Triều Tiên.
Từ tháng 9-2017, Trung Quốc tiếp tục dừng nhập khẩu mặt hàng thủy sản. Trong nhiều năm qua, kim ngạch thương mại Trung - Triều chiếm 93% tổng kim ngạch thương mại của Triều Tiên, trong đó hai mặt hàng than và thủy sản đều chiếm tỷ trọng rất lớn trong thương mại song phương, với than chiếm tỷ trọng trên 40%, thủy sản chiếm tỷ trọng gần 10%. Ngoài việc có trong tay quân bài hạt nhân và tên lửa, Triều Tiên trên thực tế vẫn đang xoay xở với bài toán phát triển kinh tế.
Theo ông Cho Bong-hyun, nhà nghiên cứu cao cấp tại Ngân hàng Công nghiệp Hàn Quốc, ông Kim Jong-un dường như đã xác định thành tựu kinh tế có thể giúp ông duy trì ổn định đất nước và tăng cường hình ảnh của ông ở nước ngoài. Điểm hạn chế của nền kinh tế Triều Tiên có lẽ nằm ở khâu phát triển công nghệ phục vụ sản xuất.
Được đánh giá là quốc gia có nguồn khoáng sản phong phú và đầy tiềm năng, nhưng Triều Tiên lại không có có đủ trang thiết bị phục vụ cho việc khai thác và xuất khẩu khoáng sản theo quy mô lớn. Ước tính, Triều Tiên đang sở hữu hơn 200 loại khoáng chất. Trong đó có các khoáng chất đất hiếm, trị giá khoảng 6.000 - 10.000 tỷ USD. Ông Lloyd Vasey, nhà sáng lập Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), cho biết năng suất khai mỏ của Triều Tiên đã giảm 30% so với những năm 1990. Trong những năm gần đây, Triều Tiên đặc biệt đẩy mạnh khai thác than đá, có thể vì các mỏ than đá không đòi hỏi công nghệ quá cao.
Việc các mỏ than còn nằm gần các cảng lớn và biên giới với Trung Quốc đã đơn giản quá trình vận chuyển. Tuy nhiên, nhu cầu than đá trên toàn cầu đang giảm sút vì sự có mặt của khí gas tự nhiên và các nhiên liệu tái chế được.
Trong khi đó, Triều Tiên lại phát đi thông tin tích cực về tình hình kinh tế trong nước. Vào tháng 4 năm nay, Triều Tiên tuyên bố thành công trong việc thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế trong năm 2017, bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây. Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA), cho biết Bộ trưởng Tài chính Triều Tiên Ki Kwan-ho khẳng định, năm 2017 kế hoạch thu ngân sách nhà nước đã hoàn thành vượt chỉ tiêu 1,7% và thu nhập nhà nước tăng 4,9% so với năm trước đó.
Phát biểu trước Quốc hội ngày 12-4, Thủ tướng Triều Tiên Pak Pong-ju nhấn mạnh, nội các đã đề ra mục tiêu để đưa toàn bộ nền kinh tế quốc dân bước vào giai đoạn cao hơn, với trọng tâm chính là thúc đẩy phục hồi sản xuất. Đồng thời, hoạt động “tự cung tự cấp” và “tự lực” luôn được coi là nguyên tắc trong các mô hình sản xuất trong nước.
Theo báo cáo của Viện Phát triển Hàn Quốc, số lượng dự án xây dựng nhà cao tầng, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, thể thao, trung tâm văn hóa ở Triều Tiên vẫn bùng nổ. Từ khi ông Kim Jong-un nắm quyền điều hành đất nước năm 2011, ông đã khởi xướng các dự án có quy mô lớn làm đẹp cảnh quan đô thị Bình Nhưỡng.
Không những thế, nhà lãnh đạo Triều Tiên dường như muốn nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân bằng các dự án nhà ở, trung tâm mua sắm, công viên giải trí, rạp chiếu phim 3D và khu nghỉ dưỡng trượt tuyết. Tuy nhiên, sự chênh lệch về thu nhập ở Triều Tiên khá lớn. Vì vậy, các dự án sang trọng dường như chỉ phục vụ cho các nhóm thu nhập cao.
Nhộn nhịp vùng biên
Những động thái mới trên bán đảo Triều Tiên đang thúc đẩy tinh thần của các nhà đầu tư. Kể từ tháng 1-2018 đến nay, giới đầu tư nước ngoài đã mua hơn 17 tỷ USD trái phiếu Chính phủ Hàn Quốc, trong khi thị trường chứng khoán nước này cũng tăng điểm đáng kể. Chính phủ Hàn Quốc cũng đã có kế hoạch hỗ trợ tái thiết kinh tế Triều Tiên. Một hiệp định hòa bình liên Triều sẽ mở ra cánh cửa cho Tổng thống Moon Jae-in thực hiện kế hoạch phát triển 3 vành đai kinh tế kết nối 2 miền Triều Tiên và tạo ra các cơ hội kinh doanh và đầu tư cho các doanh nghiệp Hàn Quốc.
Khai thác than tại tỉnh Hamgyong Nam, Triều Tiên
Nói về quan hệ kinh tế liên Triều, Giáo sư kinh tế Zang Hyoungsoo, Đại học Hanyang ở Seoul, nhận định, Triều Tiên sẽ không dành tất cả cơ hội cho Hàn Quốc. Nếu Triều Tiên thiết lập được các mối quan hệ ngoại giao chính thức, doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ phải cạnh tranh với các công ty Trung Quốc và các nước khác để giành cơ hội phát triển cơ sở hạ tầng tại Triều Tiên.
Theo hãng tin Bloomberg, 2 nhà nghiên cứu Stephen Jen và Joana Freire của Công ty Eurizon SLJ Capital Ltd tại Anh kết luận rằng, cũng cần phải đổ vào Bình Nhưỡng khoảng 2.000 tỷ USD nếu 2 miền Triều Tiên tái thống nhất và Hàn Quốc sẽ phải chịu trách nhiệm chính cho khoản tiền này. Đây là ước tính nguồn lực cần thiết để đảm bảo một Triều Tiên phi hạt nhân hóa đứng vững được về kinh tế. Số tiền cần thiết để tái thống nhất 2 miền Triều Tiên đã tăng gấp đôi so với nghiên cứu do tạp chí Economist đưa ra trong một nghiên cứu tương tự vào năm 2016.
Giới doanh nghiệp Hàn Quốc được cho là đang “lên dây cót” để nắm bắt cơ hội. Hyundai Group cho biết, đang thành lập một nhóm công tác để chuẩn bị cho khả năng tái khởi động các dự án kinh tế ở Triều Tiên. Hyundai Group là công ty tách khỏi hãng xe Hyundai Motor Group vào năm 2000.
Công ty này từng tham gia vào nhiều dự án kinh tế ở Triều Tiên trước đây, bao gồm một khu nghỉ dưỡng ở vùng núi và khu công nghiệp chung Kaesong - nơi công nhân Triều Tiên sản xuất hàng hóa cho các doanh nghiệp Hàn Quốc. Kaesong từng là địa điểm hoạt động của 120 doanh nghiệp Hàn Quốc trước khi bị đóng cửa năm 2016. Hãng tin Bloomberg cũng đưa ra dự đoán, Triều Tiên có thể trở thành trung tâm sản xuất mới của Samsung tại châu Á do chi phí nhân công rẻ và cơ sở công nghiệp đủ đáp ứng cho hoạt động sản xuất sản phẩm công nghệ.
Trong khi đó, hoạt động kinh doanh bất động sản ở khu vực biên giới Triều Tiên đang nóng lên từng ngày. Người Hàn Quốc đang đổ xô mua đất ở khu vực biên giới giữa hai miền. Nhu cầu bất động sản tại những thị trấn nhỏ và vùng nông thôn thưa thớt dân cư xung quanh khu vực phi quân sự (DMZ) đang tăng chóng mặt dựa trên kỳ vọng về dòng lao động và vốn đầu tư sẽ được đổ vào nơi này, một khi hòa bình được lập lại giữa 2 miền. Đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện cơn sốt đất ở biên giới 2 miền Triều Tiên. Giá đất ở biên giới từng tăng vọt khi Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Il năm 2007. Đến năm 2008, giá đất sụt giảm mạnh khi quan hệ 2 miền chuyển xấu lúc chính phủ cánh hữu của cựu Tổng thống Lee Myung-bak lên cầm quyền.
Sự gia tăng hoạt động ở vùng biên giới không chỉ giới hạn ở Hàn Quốc. Tại thành phố biên giới Đan Đông của Trung Quốc, nơi tiếp giáp với Triều Tiên, các nhà đầu tư bất động sản đang đẩy giá lên mỗi ngày. Thành phố này từng vắng vẻ từ khi Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc áp đặt lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên sau loạt vụ thử tên lửa tầm cao và thử hạt nhân hồi năm ngoái.
Lệnh trừng phạt đã gây tác động đến hoạt động mua bán hải sản, may mặc và thương mại hàng hóa khác giữa 2 nước, đồng thời khiến nhiều lao động Triều Tiên phải rời bỏ các nhà máy Trung Quốc do sản xuất đình trệ. Giới kinh doanh bất động sản tại Trung Quốc cho rằng, phần lớn nhu cầu mua nhà đất là để đầu tư, bởi nhiều người kỳ vọng Triều Tiên sẽ mở cửa kinh tế. Hoạt động giao thương giữa biên giới Trung - Triều cũng được cho là sẽ sớm được khôi phục.
Hiện chưa rõ Triều Tiên sẽ đổi mới kinh tế theo mô hình nào. Theo ông Ahn Chan-il, Giám đốc Viện Nghiên cứu thế giới về Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể theo đuổi mô hình cải cách của Trung Quốc, Cuba và Việt Nam. (Yonhap - Thông tấn xã Hàn Quốc)