Cơ hội bứt phá của ngành vi mạch

Trong chuyến công tác tại Mỹ vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chứng kiến lễ ký biên bản ghi nhớ giữa Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia và Synopsys - một tập đoàn dẫn đầu toàn cầu về tự động hóa thiết kế điện tử.

Trong chuyến công tác tại Mỹ vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến thăm một số tập đoàn hàng đầu toàn cầu về công nghệ, tự động hóa thiết kế điện tử, thiết kế chip bán dẫn… ở thung lũng Silicon (California). Qua chuyến thăm của Thủ tướng cùng với những diễn biến hợp tác tích cực về khoa học - công nghệ trong nước đang mở ra cơ hội phát triển ngành vi mạch.

Cả thế giới chuyển động

GS-TS Đặng Lương Mô, một nhà khoa học có bề dày trong ngành vi mạch, nhận định: “Với chuyến công tác vừa qua của Thủ tướng Phạm Minh Chính, đặc biệt là các hoạt động nhằm thúc đẩy năng lực thiết kế và phát triển sản phẩm chip bán dẫn tại Việt Nam, phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn và các ngành công nghệ cao tại Việt Nam cho thấy Chính phủ đã dành sự quan tâm lớn đến ngành vi mạch trong nước. Đây là hành động hết sức cần thiết để thúc đẩy ngành công nghệ quan trọng này ở nước ta”. Theo các chuyên gia, vi mạch luôn đóng vai trò then chốt cho sự phát triển công nghệ của mỗi quốc gia.

Ngay Nhật Bản, quốc gia hàng đầu về khoa học - công nghệ cũng đã khởi động một chương trình đầu tư công nghiệp quy mô lớn nhằm tìm cách chuyển một số hoạt động sản xuất chip trở lại Nhật Bản qua việc xây dựng một nhà máy sản xuất chip trị giá 8,6 tỷ USD. Gần đây, Ấn Độ rất quyết tâm tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp vi mạch, bán dẫn. Nhà sản xuất hàng điện tử India Semiconductor Mission (ISM) ra mắt cuối năm 2021 với tổng vốn đầu tư 30 tỷ USD với mục tiêu biến Ấn Độ thành một trung tâm chính về sản xuất, thiết kế và đóng gói chip.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các nhân viên người Việt Nam đang làm việc tại Công ty Synopsys trong chuyến công tác vừa qua tại Mỹ. Ảnh: NHẬT BẮC

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các nhân viên người Việt Nam đang làm việc tại Công ty Synopsys trong chuyến công tác vừa qua tại Mỹ. Ảnh: NHẬT BẮC

Thông qua ISM, Ấn Độ đặt mục tiêu trở thành một giải pháp gia công chip thay thế trong thị trường gia công ngày càng cạnh tranh của thế giới. “Nỗ lực tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn công nghệ thế giới mở ra cơ hội cho các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành công nghiệp vi mạch, bán dẫn”, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP) nhận định.

Theo ông Nguyễn Anh Thi, với sự xuất hiện của các tập đoàn Intel, SamSung và hàng loạt tập đoàn công nghệ khác tại SHTP nói riêng và những nền tảng ban đầu của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn được tạo dựng trong gần 20 năm qua nói chung, Việt Nam đang được đánh giá có tiềm năng tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đảm bảo tiếp cận có kiểm soát đối với ngành công nghiệp trọng yếu này nếu có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút đầu tư từ các quốc gia có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển.

Nguồn nhân lực tiềm năng

Trong chuyến công tác tại Mỹ vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chứng kiến lễ ký biên bản ghi nhớ giữa Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia và Synopsys - một tập đoàn dẫn đầu toàn cầu về tự động hóa thiết kế điện tử. Synopsys sẽ hỗ trợ lập kế hoạch thành lập Viện Nghiên cứu bán dẫn tại Việt Nam. Hiện Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia đang xây dựng cơ sở hạ tầng cho trung tâm ươm tạo thiết kế vi mạch tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), bao gồm các công nghệ tiên tiến của Synopsys trong tạo mẫu và mô phỏng để tối ưu hóa phần mềm, đồng bộ thiết kế SoC (hệ thống trên chip) phần cứng… Đây được xem là bước chuẩn bị hạ tầng quan trọng để phát triển ngành vi mạch trong nước.

Xây dựng nguồn nhân lực cũng là bước chuẩn bị cho ngành vi mạch. Tại TPHCM, SHTP đã thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Đào tạo điện tử, vi mạch bán dẫn (Electronics and Semiconductor Center - ESC), trong đó, Synopsys Việt Nam có vai trò quan trọng, hỗ trợ phần mềm Synopsys để thúc đẩy đào tạo nhân lực vi mạch…

Trung tâm hướng đến mục tiêu trở thành một đơn vị đào tạo vi mạch quy mô, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư lớn, tạo điều kiện để thu hút các chương trình hợp tác quốc tế quy mô lớn hơn trong tương lai. Hiện các trường đại học thuộc Đại học Quốc gia TPHCM đã có các chương trình tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho ngành vi mạch. Gần đây, các tập đoàn thiết kế vi mạch trên thế giới đang chuyển hướng hoạt động, tăng đầu tư và tìm kiếm nguồn nhân lực tiềm năng tại Việt Nam. Tập đoàn Marvell Technology, Inc. (Hoa Kỳ) chuyên thiết kế, phát triển và sản xuất các loại chip bán dẫn với hơn 7.000 nhân viên, hơn 10.000 bằng sáng chế… đã thành lập Trung tâm Thiết kế vi mạch (Semiconductor Design Center) tại TPHCM. TS Nguyễn Lợi, Phó Chủ tịch cấp cao Marvell toàn cầu, cho biết, Marvell chọn Việt Nam bởi sự năng động, chính trị - xã hội ổn định, có nguồn lực nhân tài…

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam như Viettel, FPT cũng từng bước tiến vào ngành vi mạch với mục tiêu, sản phẩm cụ thể. Chẳng hạn, FPT Semiconductor (trực thuộc FPT Software) đã ra mắt dòng chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm internet vạn vật (IoT) lĩnh vực y tế vào tháng 9 vừa qua. Dòng chip bán dẫn tích hợp (IC - Integrated Circuit) được các kỹ sư của FPT Semiconductor trực tiếp thiết kế và đặt ra cấu trúc, hướng đến phục vụ các ngành công nghiệp, sản phẩm cụ thể. Ông Nguyễn Vinh Quang, Giám đốc điều hành FPT Semiconductor, cho biết: “2 năm tiếp theo, FPT Semiconductor dự kiến cung ứng ra thị trường toàn cầu 25 triệu đơn vị chip và đặt kế hoạch đưa ra thị trường 7 dòng chip khác trong năm 2023, phục vụ lĩnh vực công nghệ, viễn thông, IoT”.

Sau 20 năm định hướng và xây dựng, thời điểm này là cơ hội lớn để ngành vi mạch Việt Nam phát triển. Với vai trò liên kết bốn nhà, trong đó Nhà nước đã có những chủ trương lớn và động thái rất rõ ràng, nhà đầu tư sẽ vào Việt Nam ngày càng nhiều, nhà trường và nhà sản xuất cũng sẵn sàng… nên đây là cơ hội chúng ta phải nắm bắt để bứt phá

GS-TS ĐẶNG LƯƠNG MÔ

Tin cùng chuyên mục