Cơ hội bứt phá của ngành giải trí trong nước

Hiện tượng các show ca nhạc trong nước liên tục cháy vé trong thời gian gần đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự bùng nổ và phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp văn hóa giải trí.

Trước đây, sự phát triển của các nền tảng kỹ thuật số như YouTube, Spotify, và mạng xã hội đã tạo ra thói quen xem miễn phí hoặc trả phí thấp cho các sản phẩm âm nhạc trực tuyến. Điều này khiến nhiều người ngần ngại chi tiền cho các buổi biểu diễn trực tiếp. Tuy nhiên, hiện khán giả đã bắt đầu nhận thức rõ hơn về giá trị của việc tham dự trực tiếp những chương trình được đầu tư kỹ lưỡng, mang lại trải nghiệm không thể có được qua màn hình và sẵn sàng “móc hầu bao” để tham dự các chương trình âm nhạc chất lượng. Ví dụ, chỉ sau 90 phút mở bán, 20.000 vé xem show Anh trai vượt ngàn chông gai đã được bán hết, cho thấy sức hấp dẫn mạnh mẽ của chương trình này. Tương tự, show Anh trai say hi cũng ghi nhận tình trạng khan hiếm vé ngay từ những ngày đầu tiên mở bán.

Sự háo hức của khán giả tạo nên một hiệu ứng dây chuyền tích cực cho toàn ngành biểu diễn giải trí. Khán giả bỏ tiền ra với mong muốn được thưởng thức chương trình hấp dẫn, âm thanh, ánh sáng, sân khấu phải đạt chuẩn quốc tế. Điều này tạo ra áp lực cho nghệ sĩ, nhà sản xuất, buộc họ phải ngày càng chuyên nghiệp hơn để đáp ứng yêu cầu của khán giả. Rồi sự cạnh tranh giữa các chương trình, các nghệ sĩ, nhu cầu biểu diễn không chỉ trong nước mà còn vươn ra nước ngoài… Tất cả dần góp phần khai mở những tiềm năng lớn để Việt Nam trở thành một trung tâm giải trí mới của khu vực Đông Nam Á, có khả năng thu hút cả khán giả quốc tế. Bên cạnh đó, các sự kiện âm nhạc lớn thường kéo theo sự bùng nổ của các ngành như du lịch, khách sạn, nhà hàng… Điều này đồng nghĩa với việc ngành công nghiệp giải trí không chỉ dừng lại ở việc tổ chức các chương trình âm nhạc, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế tổng thể của địa phương, của cả nước.

Tuy nhiên, để thực sự bứt phá, ngành giải trí Việt Nam cần phải duy trì được đà phát triển này và liên tục đổi mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khán giả. Điều này không chỉ đòi hỏi sự sáng tạo từ phía nghệ sĩ, mà còn sự chuyên nghiệp trong tổ chức và quản lý từ phía các nhà sản xuất. Thời điểm hiện tại, với sự gia tăng về số lượng và chất lượng của các show diễn, ngành giải trí Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để khẳng định vị thế của mình trên bản đồ âm nhạc khu vực.

Tin cùng chuyên mục