Ngày 24-7, tại Hà Nội, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) họp phiên toàn thể, làm việc với Chính phủ và các bộ ngành về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT).
Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển; Ủy viên Trung ương Đảng và Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Trưởng Đoàn giám sát, chủ trì cuộc làm việc. Lãnh đạo các bộ: Giao thông – Vận tải; Tài chính; Tài nguyên và Môi trường; Xây dựng; Ngân hàng Nhà nước tham gia giải trình…
Báo cáo giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT) sẽ được UBTVQH xem xét vào phiên họp tháng 8 tới đây.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Nhật cho biết, giai đoạn 2011 – 2016, Bộ đã huy động được hơn 171 nghìn tỷ đồng để đầu tư 58 dự án theo hình thức BOT, trong đó có 57 dự án BOT giao thông có tổng mức đầu tư gần 170 nghìn tỷ đồng. Đến nay đã có 50 dự án BOT giao thông được đưa vào khai thác. Các dự án giao thông BOT đã tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và trực tiếp làm tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Thứ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải cũng thẳng thắn nhìn nhận, vừa qua, những dự án BOT giao thông cũng còn nhiều hạn chế, bất cập. Một số công trình có khiếm khuyết về chất lượng, trình tự thực hiện thủ tục đầu tư chưa chặt chẽ; một số trạm thu phí gặp phản ứng trái chiều của người dân; chưa kêu gọi được nhà đầu tư nước ngoài...
“Có ý kiến cho rằng việc quản lý nguồn thu của các trạm thu phí chưa hiệu quả, có hiện tượng gian lận trong thu phí”, lãnh đạo Bộ Giao thông – Vận tải nói.
Vẫn theo Thứ trưởng Nhật, có 6 nguyên nhân khách quan và 4 nguyên nhân chủ quan dẫn đến những hạn chế nêu trên, như do là hình thức đầu tư mới, các chủ thể tham gia đều chưa có kinh nghiệm; năng lực các nhà đầu tư chưa cao, xây dựng dự toán chưa chặt chẽ. Địa phương cũng chưa lấy ý kiến rộng rãi của HĐND, Đoàn ĐBQH và các đối tượng sử dụng đường khi áp dụng mức phí, từ đó gây bức xúc trong dư luận…
Thứ trưởng Nguyễn Nhật đề xuất ban hành tiêu chí về thành lập trạm thu phí bảo đảm hài hòa lợi ích các bên và giao một cơ quan độc lập tiến hành đánh giá tác động giá cũng như tiến tới áp dụng toàn bộ thu phí tự động. Đặc biệt, đề nghị QH cho phép Chính phủ giao Bộ Giao thông – Vận tải được quyết định mức tăng giá ngay trong dự án đầu tư và hợp đồng dự án.
Về lâu dài, đại diện Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị QH xây dựng và ban hành Luật Đầu tư đối tác công – tư (PPP); nhanh chóng có chính sách hạn chế rủi ro trong quá trình thực hiện dự án.