Tại buổi họp báo, các phóng viên đặt câu hỏi cho Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức về tình trạng mua đồng phục các hãng xe công nghệ để được ra đường trong bối cảnh TPHCM siết chặt việc giãn cách.
Đồng chí Dương Anh Đức cho biết lãnh đạo TPHCM đã nắm thông tin này và sẽ kiểm tra, xử lý, tránh tình trạng lấy cớ mặc đồng phục của các hãng xe công nghệ để ra đường khi TPHCM thực hiện giãn cách.
Chia sẻ thêm tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch UBND TPHCM nói vừa qua trên 2/3 xe máy đi trên đường là shipper, trong đó, có xe ôm công nghệ và xe ôm truyền thống chuyển sang làm shipper. Theo đồng chí, việc vận chuyển hàng thiết yếu không thể cấm, nhưng phải tổ chức trật tự, quy củ để giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm.
Vì thế, trong chỉ đạo của UBND TPHCM có nêu rõ, “xe mô tô công nghệ phục vụ vận chuyển hàng hóa thiết yếu được doanh nghiệp đăng ký hoạt động” được phép hoạt động. Chỉ những diện tự phát thì bị ngăn cấm.
“Từ nay đến ngày 1-8 còn 8 ngày và đó là thời gian chúng ta phải chấp nhận hy sinh một số tiện nghi nhất định, để giữ gìn kỷ cương, góp phần phòng, chống dịch”, đồng chí Dương Anh Đức nói”.
Cũng liên quan đến việc phân luồng các phương tiện, Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm cho biết, Công văn 2468 của UBND TPHCM đã quy định rõ xe nào được lưu thông, xe nào không. Sở sẽ không thêm thủ tục nào. Việc phân luồng qua các chốt, trước đây cũng đã có hướng dẫn. Ở các quận huyện thì tùy từng nơi linh hoạt để kiểm soát. Ông khẳng định không có mẫu nào cho quận, huyện cả mà tùy tình hình để thực hiện. Không có việc chốt chặn để kiểm tra tất cả phương tiện, mà kết hợp tuần tra, kiểm soát.
Cũng theo Giám đốc Sở GTVT, shipper chỉ vận chuyển với hàng thiết yếu và được quyền từ chối hàng hóa không phải hàng thiết yếu. Trên đường, lực lượng chức năng sẽ kiểm tra, nếu không đúng doanh nghiệp đã đăng ký và không chở hàng thiết yếu, thì sẽ bị xử lý ngay.
Trả lời câu hỏi, nguồn lực y tế của TPHCM có đủ đáp ứng trong thời gian tới hay không, cần Trung ương và các địa phương hỗ trợ ra sao? Đồng chí Dương Anh Đức khẳng định: TPHCM huy động toàn bộ lực lượng, cả y tế công lập và y tế tư nhân tham gia tất cả các hoạt động chống dịch. Trong đó, nhiều nhất là tham gia vào tiêm vaccine. Hiện nay Sở Y tế TPHCM đang xây dựng kế hoạch sử dụng bác sĩ về hưu, y tế tư nhân cho việc điều trị, tư vấn cho người dân, đặc biệt là khi triển khai cách ly F0 không có triệu chứng tại nhà thì lực lượng này rất quan trọng. Ngoài ra, TPHCM mở một nhánh ở tổng đài 1022, để các bác sĩ tư vấn sức khỏe cho người dân.
Đồng chí cho biết thêm, việc đăng ký chống dịch thì đăng ký ở Sở Y tế - vì là đặc thù nên cần phân bổ nhân lực phù hợp nghiệp vụ, thì mới hiệu quả. Ngoài ra, TPHCM tập huấn các lực lượng và huy động sinh viên – ban đầu là sinh viên ngành Y, sau đó mở rộng ra các sinh viên phù hợp với các công việc, chẳng hạn như sinh viên công nghệ thông tin, hoặc các ngành gần với ngành Y để tham gia chống dịch. Lực lượng này lên tới 10.000 người.
Và Trung ương tăng cường hỗ trợ, từ cơ quan y tế trung ương trên địa bàn TPHCM, và các cơ quan trung ương, tỉnh, thành khác cũng đang làm việc, hỗ trợ rất tích cực cho TPHCM.
Cung cấp thông tin cụ thể hơn, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, có 59 bệnh viện tư nhân và 200 phòng khám tư nhân đã tham gia phòng, chống dịch, tiêm vaccine. Theo lời kêu gọi của TPHCM, Sở Y tế đã làm app để vận động bác sĩ, điều dưỡng trong hệ thống y tế, có cả bác sĩ đã về hưu tham gia chống dịch.
Theo bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, nhu cầu của 22 quận, huyện sắp tới thực hiện BV điều trị F0 không triệu chứng, sẽ có gần 50.000 giường điều trị F0 ở các quận huyện và TP Thủ Đức, nên cần 1.000 bác sĩ, 2.000 điều dưỡng để đáp ứng nhu cầu này. Sở Y tế đã ngồi lại, bàn việc huy động nhân lực cho việc này.
Đồng chí Dương Anh Đức thông tin, ngày 22-7 UBND TPHCM có văn bản đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ 1.000 bác sĩ (100 bác sĩ hồi sức, 900 bác sĩ điều trị), cùng 4.000 điều dưỡng, kỹ thuật viên… TPHCM đang nỗ lực hoàn thiện bệnh viện ở tầng 5 - BV hồi sức – tuyến cuối, điều trị cho các bệnh nhân nặng nhất. Bệnh viện này đang hoạt động 50% công suất, nên rất cần các chuyên gia hồi sức.
Đồng chí cũng chia sẻ thêm, TPHCM đang nhận hỗ trợ tích cực của Bộ Y tế, nhưng TPHCM cũng hiểu và chia sẻ với cả nước khi dịch phức tạp ở rất nhiều địa phương. Do vậy, TPHCM tập trung chủ động, huy động toàn bộ nguồn lực ở TPHCM, có kế hoạch phân bổ, điều động cụ thể để sử dụng sao cho hiệu quả nhất. Hiện TPHCM có 15.000 nhân viên y tế đang tham gia phòng, chống dịch. Trong đó có hơn 4.000 từ Trung ương và tỉnh, thành bạn.
Về lời kêu gọi hiến máu của Bệnh viện Chợ Rẫy do máu dự trữ cạn kiệt ở bệnh viện tuyến đầu, khi được hỏi về giải pháp, Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhận định, ban đầu do chưa hiểu đúng tầm quan trọng của việc hiến máu, nên một số hoạt động hiến máu ở TPHCM nghỉ. TPHCM đã chấn chỉnh việc này. Đến nay tình hình thiếu máu ở Bệnh viện Chợ Rẫy đã được giải quyết. TPHCM đang tăng dự trữ máu ở Chợ Rẫy và ngân hàng máu ở TPHCM.
Liên quan đến công tác tuyển sinh lớp 10, Phó Chủ tịch UBND TPHM Dương Anh Đức cho biết, hiện nay, tình hình dịch bệnh khá phức tạp, nên việc thi tuyển sinh với quy mô lớn có thể tạo ra các nguy cơ tiềm tàng về lây nhiễm rất cao. Vì vậy, TPHCM cân nhắc các biện pháp, cố gắng có quy định về tuyển sinh công bằng nhất có thể, nhưng không ảnh hưởng đến chống dịch. An toàn trong phòng, chống dịch đặt lên cao nhất. Hiện nay, lớp 10, tuyển sinh bình thường; một số trường chuyên thì tính chất khác nhau nên cần cân nhắc, lắng nghe ý kiến chuyên gia để quyết định cho công bằng, khả thi trong tình hình hiện nay. Khi nào có phương án chính thức thì TPHCM sẽ thông báo.