![Có hay không sự cạnh tranh giữa nước ngọt có ga và nước ngọt không ga?](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/nkdkswkqoc/original/2014/06/images502291_1.jpg.webp)
Vừa qua, tại TPHCM, Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo góp ý dự án Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi. Theo đó, việc dự kiến áp dụng mức thuế suất 10% lên các loại nước ngọt có ga không cồn (nước ngọt có ga) gây ra một số tranh luận. Nhằm rộng đường dư luận, liên quan đến vấn đề này, Chúng tôi đưa ra các phân tích trên cơ sở tham khảo ý kiến từ các chuyên gia.
![Nước uống đóng chai đã trở nên quen thuộc với mọi người Việt. Nước uống đóng chai đã trở nên quen thuộc với mọi người Việt.](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/nkdkswkqoc/original/2014/06/images502291_1.jpg.webp)
Nước uống đóng chai đã trở nên quen thuộc với mọi người Việt.
Nước ngọt có ga và nước ngọt không ga – Hai dòng sản phẩm khác nhau cho sự lựa chọn của người sử dụng
Xét dưới góc độ sản phẩm, theo Khoản 2 Điều 4 Nghị Định 116/2005/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật cạnh tranh thì có thể xác định thị trường sản phẩm liên quan căn cứ vào tính chất vật lý, tính chất hóa học, tính năng kỹ thuật, tác dụng phụ, khả năng hấp thụ của sản phẩm đối với người sử dụng. Về tính chất vật lý, hóa học và các tính năng kỹ thuật của nước ngọt có ga so với nước ngọt không có ga có sự khác biệt rất rõ ràng. Nước ngọt có ga có sục khí CO2 vào nước nhằm tạo cảm giác “đã khát” với thành phần chủ yếu là các chất hóa học. Trong khi đó, nước ngọt không ga chủ yếu sử dụng hương liệu là các loại thảo mộc, hoa quả tự nhiên,... Về khả năng hấp thụ hay tác dụng phụ của sản phẩm, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, CO2 trong nước ngọt có ga gây ra cảm giác thỏa cơn khát, nên người tiêu dùng rất thích uống, thậm chí uống nhiều hơn mức cần thiết. Ngoài ra, CO2 trong nước ngọt có ga cũng gây ra một số tác dụng phụ mà những loại nước ngọt không có ga khác không có.
Một trong những tiêu chí để đánh giá khả năng thay thế lẫn nhau của nước ngọt có ga và nước ngọt không ga là mục đích sử dụng. Hàng hóa, được coi là có thể thay thế được cho nhau về mục đích sử dụng nếu hàng hóa đó có mục đích sử dụng giống nhau. Tuy nước ngọt có ga và nước ngọt không ga đều có mục đích sử dụng chung là dùng để uống nhưng không vì thế mà chúng có thể thay thế lẫn nhau. Liệu rằng một người muốn giải tỏa cơn khát với các loại thức ăn chứa nhiều chất béo hay ngồi trong rạp chiếu phim lại lựa chọn nước ngọt không ga? Hay một người ăn kiêng, người chơi thể thao lại lựa chọn nước ngọt có ga mà không phải là nước trái cây hay nước tăng lực? Xét cho cùng, thức uống vô cùng đa dạng và phong phú, không có cơ sở để khẳng định nếu không uống cái này thì phải uống cái kia, người tiêu dùng hoàn toàn có những sự lựa chọn cho riêng mình. Chưa kể đến thói quen, sở thích của từng người, khi đã trở thành “tín đồ” của một loại đồ uống nào đó thì cho dù giá cả có tăng thì họ vẫn uống loại đồ uống đó, có chăng chỉ là hạn chế về số lượng. Đó cũng chính là mục đích của các nhà làm luật, định hướng tiêu dùng và hạn chế tiêu thụ. Nhà nước không cấm uống nước ngọt có ga mà chỉ hạn chế vì nếu uống quá nhiều sẽ có hại cho sức khỏe.
Có cạnh tranh trực tiếp?
Một vấn đề được đặt ra là liệu hai dòng sản phẩm nước ngọt có ga và nước ngọt không có ga có phải là hai loại sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với nhau hay không?
Theo pháp luật Việt Nam, các loại hàng hóa khác nhau chỉ cạnh tranh với nhau khi chúng nằm trong cùng “thị trường liên quan”. Tại K hoản 1 Điều 3 Luật cạnh tranh 2004, thị trường liên quan bao gồm thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan. Thị trường sản phẩm liên quan là thị trường bao gồm những hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả. Thị trường địa lý liên quan là một khu vực địa lý cụ thể trong đó có những hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau với các điều kiện cạnh tranh tương tự và có sự khác biệt đáng kể với các khu vực lân cận. Như vậy, xét dưới góc độ địa lý, nước ngọt có ga và nước ngọt không có ga đều có chung thị trường là người tiêu dùng trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, khả năng thay thế cho nhau của hai mặt hàng này với các điều kiện cạnh tranh tương tự có thể xảy ra? Thực tế, các tên tuổi thương hiệu nước ngọt có ga trên Thế Giới đã và đang tồn tại song song, bất chấp sự tồn tại và ra đời của hàng loạt dòng sản phẩm nước ngọt không ga. Đây cũng là minh chứng rõ ràng của hai dòng sản phẩm khác biệt - nước ngọt có ga và nước ngọt không ga, với sự chọn lựa khác nhau của người sử dụng.
![](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/nkdkswkqoc/original/2014/06/images502289_1.jpg.webp)
Dự án sửa đổi luật thuế - công bằng đối với các nhà đầu tư
Dự án Luật sửa đổi thuế TTĐB đưa ra mức thu thuế chung, thống nhất đối với nước ngọt có ga, không phân biệt giữa hàng nhập khẩu với hàng sản xuất trong nước. Thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh, sản xuất mặt hàng nước ngọt có ga cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi sắc thuế này trong khi nhiều nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh mặt hàng nước ngọt không ga cũng được “hưởng lợi”. Do đó, không thể nói là thuế này nhằm vào một đối tượng hay nhóm doanh nghiệp nào đó.
Nhìn chung, dựa trên các quy định pháp luật có liên quan, có thể nói rằng thị trường nước giải khát có ga và nước giải khát không ga là hai thị trường hoàn toàn tách biệt, không liên quan với nhau. Việc đánh thuế TTĐB đối với nước ngọt có ga không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp sản xuất nước ngọt có ga trong nước. Các nhà đầu tư nước ngọt cần có cái nhìn tích cực hơn và cần vận dụng sự thay đổi của pháp luật, biến nó thành cơ hội canh tranh cho mình.
THẢO – HƯƠNG