Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết đã không dưới 3 lần khuyến nghị Bộ NN-PTNT và địa phương có phương án vùng trồng, vùng nuôi, sản xuất theo tín hiệu thị trường.
"Nếu cứ cách làm cũ, có gì làm nấy, có gì bán nấy sẽ bị động", ông nói và đề nghị ngành nông nghiệp cần có kế hoạch sản xuất theo yêu cầu, nhu cầu từng thị trường.
Trước mắt, ngành công thương và ngành NN-PTNT vẫn đang nỗ lực họp bàn, trao đổi với phía bạn. Tuy nhiên, về dài hạn, hai bộ cần có trách nhiệm xây dựng đề án để chuyển xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch qua biên giới. Hiện tiêu chuẩn, tiêu chí để xuất hàng tiểu ngạch, chính ngạch qua biên giới đã được Bộ Công thương trình Thủ tướng, Chính phủ.
Giải trình thêm, người đứng đầu ngành công thương chia sẻ: “Chúng ta cũng phải thấy chiến lược phòng, chống dịch của 2 nước ta và Trung Quốc thời điểm này có những điểm không giống nhau. Ta thì thích ứng an toàn, nhưng phía bạn vẫn "Zero Covid". Chúng ta cũng tích cực giao thiệp, chủ yếu bàn giao hàng qua phương thức nào để đảm bảo an toàn cho cả hai bên. Vì mục tiêu đảm bảo sức khỏe cho người dân vẫn là trên hết, không phải vì lợi ích trước mắt”.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, thị trường Trung Quốc vẫn là thị trường lớn, những nước rất xa vẫn tìm Trung Quốc để bán hàng. Hơn nữa, nước bạn đưa ra tiêu chuẩn hàng hóa rất cao, đòi hỏi người sản xuất phải tuân thủ quy định...
“Một lần nữa, khuyến cáo các ngành sản xuất nói chung, đặc biệt là nông nghiệp, nông sản, thực phẩm đều phải cố gắng sản xuất theo quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo tiêu chuẩn và tiêu chuẩn ấy phải sát từng thị trường”, Bộ trưởng chia sẻ và cho biết, kể cả hàng xuất chính ngạch vào Trung Quốc "nếu trục trặc gì đó không xuất được thì cũng không dễ gì vào các nước khác"…
Có cùng nỗi lo về phương thức phòng chống dịch bệnh của phía Trung Quốc, ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) nêu vấn đề: Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách "Zero Covid", trong khi đây là thị trường cung ứng nguyên liệu cho Việt Nam. Năm 2021 ta vẫn nhập khẩu tới 110 tỷ USD từ thị trường này. ĐB này bày tỏ lo ngại vì rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu.
Cho rằng lo lắng của ĐB Trần Hoàng Ngân là có cơ sở, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên hồi đáp: “Đây đúng là thách thức có tính toàn cầu. Bộ Công thương đã chủ động chỉ đạo các vụ chức năng nghiên cứu để đa dạng hóa thị trường. Thương vụ của ta ở các nước đã và đang tích cực tìm kiếm nguồn nhập nguyên liệu thay thế. Bên cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tăng cường sản xuất và bàn bạc với bạn để mở luồng xanh cho hàng hóa”.