Tại phiên họp sáng 26-10 của Quốc hội, khi thảo luận về các báo cáo tư pháp, nhiều ĐBQH bày tỏ đồng tình cao với nhiều nhận định trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, đặc biệt là về tính tuân thủ pháp luật chưa cao trong công tác tố tụng.
ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) nêu dẫn chứng về tỷ lệ vụ án phải kháng nghị giám đốc thẩm còn cao, công tác giải quyết xử lý chưa đạt chỉ tiêu, đề nghị các ngành tư pháp phối hợp phân tích rõ nguyên nhân, giải pháp.
ĐB cũng lưu ý đến những vi phạm trong mua sắm trang thiết bị y tế để phòng chống dịch Covid-19 và đặt câu hỏi: “Các cán bộ CDC (Trung tâm kiểm soát bệnh tật - PV) có vi phạm thì đã bị xử lý rồi, nhưng dư luận vẫn nghi vấn có hay không việc 5 doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị y tế hình thành “liên minh” đẩy giá để các CDC phải mua thiết bị với giá cắt cổ. Đây có phải các doanh nghiệp “sân sau” không? Và vì sao Nhà nước không quản lý giá mặt hàng đặc biệt này?".
Bên cạnh đó, tình trạng tin báo tố giác tội phạm chưa được xử lý kịp thời; tỷ lệ giải quyết án rất nghiêm trọng, án đặc biệt nghiêm trọng là 63% (chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao là trên 90%); nhiều trường hợp VKSND các cấp không phê chuẩn lệnh tạm giam, tạm giữ; vẫn xảy ra một số trường hợp chết người trong khi bị tạm giam, tạm giữ… cũng là những thực tế khiến ĐB Nguyễn Bá Sơn quan ngại.
Có cùng bức xúc về loại tội phạm “hưởng lợi trên sự đau khổ của nạn nhân” trong hoàn cảnh dịch bệnh, thiên tai, ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đề nghị các cơ quan tư pháp có giải pháp hiệu quả để xử lý triệt để. Ông nói: “Chất lượng của công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vẫn còn những hạn chế, tồn tại, nhất định, ảnh hưởng lớn đến uy tín của các cơ quan tiến hành tố tụng, niềm tin của nhân dân và công tác của các ngành tư pháp”.
ĐB dẫn chứng, số vụ án được phục hồi điều tra chỉ chiếm 1/5 số vụ tạm đình chỉ điều tra, số vụ cơ quan điều tra tạm đình chỉ điều tra vẫn chiếm số lượng lớn và gia tăng 15.047 vụ, tăng 12,26%, tuy nhiên mới phục hồi điều tra được 3.161 vụ. Đây là một con số cần được quan tâm về chất lượng của công tác điều tra năm 2020. Đặc biệt là, một số vụ việc từ khâu khởi tố vụ án đến giai đoạn khởi tố bị can, đến khi được đưa ra xét xử vẫn còn để kéo dài về mặt thời gian, đặc biệt là các bị can, bị cáo có liên quan đến chức vụ và quyền hạn, tạo sự nghi ngờ trong dư luận xã hội…
Đề cập đến thực tế, ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) phản ánh đến Quốc hội về nạn bảo kê máy gặt, tuy chỉ diễn ra theo mùa vụ, nhưng do chưa được chính quyền địa phương quan tâm xử lý, đã gây rất nhiều khó khăn cho bà con nông dân, làm mất lòng tin vào sự nghiêm minh của pháp luật. “Đây là loại tội phạm với cách thức thực hiện mới, nhưng thực chất là cưỡng đoạt tài sản của người dân, cần được xử lý nghiêm khắc”, ĐB nhận định.
Trong khi đó, ĐB Trần Văn Mão (Nghệ An) nhìn nhận, công tác thi hành án dân sự vẫn còn tồn tại, hạn chế, tỷ lệ thi hành án, các vụ việc thi hành xong, đang thi hành so với tổng số vụ việc xét xử đạt thấp, ảnh hưởng đến chất lượng chấp hành pháp luật trong lĩnh vực này, gây hoài nghi đối với các đối tượng được thi hành án về quyền và lợi ích của mình, đã được tòa án các cấp tuyên. Tỷ lệ thi hành xong, trong tổng số án có điều kiện thi hành giảm 2.306 vụ so với năm 2019.
“Như vậy, nếu tính cả tỷ lệ số vụ việc không hoặc chưa được, chưa có điều kiện thi hành với tổng số vụ việc có điều kiện thi hành giảm trong năm 2020, thì tỷ lệ thi hành án dân sự trong tổng số các vụ việc đã xét xử có hiệu lực còn giảm sâu hơn nhiều”, ĐB Mão phân tích.