Các nhà khoa học Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) năm 2006 đã gây chấn động khi công bố những hình ảnh cho thấy có dấu vết của... nước trên bề mặt sao Hỏa và dường như nước chỉ “mới chảy” trong vòng một thập niên.
Phát hiện này làm tăng hy vọng có sự sống tồn tại trên sao Hỏa. Tuy nhiên, một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí Geology tuần này lại cho rằng đó không phải là nước...
Khảo sát các ảnh của NASA cho rằng có dấu vết của nước chảy trên sao Hỏa do tàu Mars Global Surveyor chụp trước đây và các ảnh mới hơn, chụp bằng camera độ phân giải cao HiRISE từ tàu Mars Reconnaissance Orbiter, nhóm nghiên cứu ở Đại học Arizona (Mỹ) đã dựng nên ảnh địa chất 3 chiều của các dòng chảy từ một miệng núi lửa.
Sau đó, họ dùng máy tính mô phỏng những điều kiện có thể tạo nên dạng địa chất như vậy. Kết quả cho thấy, các dòng chảy của vật chất khô, dạng hạt (như cát hay sỏi) mới giống hoàn toàn dạng địa chất đó, còn các dòng chảy của chất lỏng lại không thực sự tương ứng.
Theo các nhà khoa học, phân tích các ảnh mới chụp và mô phỏng trên máy tính đã cho thấy rằng một vụ lở cát hoặc sỏi có thể là câu trả lời thích hợp hơn cho các vết trầm tích trong các rãnh mà NASA cho là bằng chứng của nước “mới chảy”.
Theo giáo sư địa chất Jon Pelletier, người đứng đầu nhóm, khi bắt đầu nghiên cứu, họ cũng không nghĩ sẽ phát hiện điều gì mới mà cũng chỉ nghĩ rằng đó là dấu vết của chất lỏng chảy trên bề mặt sao Hỏa.
Theo Pelletier, kết quả không hoàn toàn bác bỏ việc chất lỏng chảy tạo ra dạng địa chất đó. Một khả năng khác là các dấu vết dòng chảy đó được tạo nên bởi bùn đặc chứa khoảng 50%-60% trầm tích, có độ đặc tương tự dung nham hay mật đường.
ANH THY (theo AP)