Cơ giới hóa sản xuất cây ăn trái ĐBSCL: Tăng cường hỗ trợ nông dân tiếp cận với máy móc

Ngày 22-8, Bộ NN-PTNT phối hợp UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức hội thảo “Cơ giới hóa trong sản xuất trái cây” nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy sản xuất trái cây, hướng tới nền nông nghiệp hiệu quả bền vững.

Phát biểu tại hội thảo, TS Võ Hữu Thoại, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho rằng, một số giải pháp công nghệ, kỹ thuật cần được tích hợp trong cơ giới hóa sản xuất trái cây bao gồm: giải pháp về cây giống chất lượng, về quy hoạch thiết kế vườn chuyên canh, về kỹ thuật thâm canh theo khoa học trong sản xuất trái cây...

TS Võ Hữu Thoại kiến nghị để áp dụng công nghệ đồng bộ, hiệu quả trong sản xuất trái cây vùng ĐBSCL cần phải quy hoạch vùng trồng cây ăn quả tập trung, nhằm phát triển thành vùng chuyên canh thuận lợi trong việc cơ giới hóa, nghiên cứu lựa chọn, bảo trì và vận hành những trang thiết bị, máy móc phù hợp quy mô từng vườn cây ăn quả; thâm canh theo tiêu chí VietGAP hoặc GlobalGAP…

Tại hội thảo các nhà khoa học, các đại biểu cũng đã có nhiều tham luận xung quanh việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất trái cây, như: Định hướng, cơ chế chính sách phát triển cơ giới hóa, ứng dụng cơ giới hóa để giảm tổn thất trong sản xuất và thu hoạch trái cây...
Cơ giới hóa sản xuất cây ăn trái ĐBSCL: Tăng cường hỗ trợ nông dân tiếp cận với máy móc ảnh 1  Một số khâu sản xuất trái cây chưa có máy móc phù hợp hoạt động hiệu quả

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) cho hay, hiện tại Chính phủ, Bộ NN-PTNT đã có nhiều chính sách, chủ trương phù hợp như: Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2030; Nghị định về cơ giới hóa, cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp;... Trong đó có rất nhiều chính sách tạo hành lang pháp lý để đẩy mạnh phát triển cơ giới hóa, cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp, sản xuất trái cây…

Theo ghi nhận của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, trong sản xuất trái cây thì cơ giới hóa khâu làm đất đạt trên 90%, khâu chăm sóc đạt từ 70% - 80%, khâu chế biến và bảo quản sau thu hoạch chỉ khoảng 20%. Khó khăn, thách thức hiện nay trên lĩnh vực này là khâu thu hoạch, bao trái cây, xới đất bón phân vẫn chủ yếu làm thủ công; cơ giới hóa trong sản xuất và thu hoạch trái cây vẫn còn hạn chế; kết cấu hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng đảm bảo máy móc, thiết bị hoạt động; một số khâu sản xuất trái cây chưa có máy móc phù hợp để hoạt động hiệu quả…
Để việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất được đồng bộ thì cần phải có chính sách cụ thể để hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tiếp cận với máy móc cơ giới.
Cơ giới hóa sản xuất cây ăn trái ĐBSCL: Tăng cường hỗ trợ nông dân tiếp cận với máy móc ảnh 2 Việc áp dụng các máy móc, thiết bị, công nghệ vào sản xuất, thu hoạch trái cây  nhằm tăng năng suất, chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm

Theo thống kê, năm 2021, cả nước có 1,18 triệu ha cây ăn trái. Sản lượng một số trái cây chủ lực, như: Xoài là 940.000 tấn; thanh long gần 1,4 triệu tấn; bưởi: 992.000 tấn; vải: 374.000 tấn; sầu riêng: 664.000 tấn; dứa trên 733.000 tấn...  Riêng tại vùng ĐBSCL diện tích cây ăn trái là 400.000ha, sản lượng trái cây đạt 4,3 triệu tấn mỗi năm... 

Tin cùng chuyên mục