Cô giáo trẻ với tình yêu áo dài

Trong tủ đồ của cô giáo Lê Hoàng Phi Yến (sinh năm 1987, hiện là giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Kiến Thiết, quận 3, TPHCM) đang có hơn 250 bộ áo dài. Đó là minh chứng cho tình yêu với áo dài, văn hóa Việt của cô giáo trẻ năng động và nhiều ý tưởng.

Có hơn 250 bộ áo dài

Đang học năm thứ 2 ở khoa Mỹ thuật công nghiệp, Trường Đại học Hồng Bàng thì Lê Hoàng Phi Yến quyết định dừng lại để chuyển sang thi và học Sư phạm Ngữ văn hệ cao đẳng tại Đại học Sài Gòn. Ra trường, chị trở thành giáo viên Ngữ văn của Trường THCS Kiến Thiết từ năm 2010 đến nay. Sự thay đổi đó bởi một lý do: Tình yêu với áo dài.

“Từ hồi học cấp 3, tôi được mọi người khen có dáng người phù hợp, mặc áo dài rất đẹp. Chính những lời khen đó khiến tôi yêu áo dài lúc nào không hay và tôi quyết định thi lại sư phạm cũng vì muốn được mặc áo dài nhiều hơn”, Phi Yến chia sẻ.

Ra trường, đi dạy, Phi Yến trích một phần lương để may áo dài. Trung bình mỗi năm, chị may khoảng 10 bộ. Ngoài áo dài truyền thống, Phi Yến còn “phải lòng” với những chiếc áo dài cổ phục. Đó là khi chị tình cờ biết đến Việt phục hội, do một nhóm bạn trẻ lập ra để cùng trao đổi về trang phục của người Việt. Ngoài theo dõi Việt phục hội, chị còn mua thêm ấn phẩm Ngàn năm áo mũ của Trần Quang Đức để tự nghiên cứu và tìm hiểu.

R6a.jpg
Cô giáo Lê Hoàng Phi Yến tại chương trình "Về miền cổ tích" của Trường THCS Kiến Thiết. Ảnh: NVCC

“Tháng 2-2021, tôi có chiếc áo dài viên lĩnh đầu tiên. Ban đầu mua để chụp hình cho đẹp. Nhưng sau khi đăng tải lên trang cá nhân thì có nhiều người hỏi mà không biết trả lời sao, nên tôi đã mua sách, tham gia vào nhóm Việt phục hội để tìm hiểu thông tin và kiến thức”, Lê Hoàng Phi Yến kể.

Phi Yến cho biết, ban đầu, khi mặc cổ phục thấy không hợp vì vướng víu, tuy nhiên, khi tìm hiểu về những chiếc áo dài cổ phục từ viên lĩnh, ngũ thân, giao lĩnh đến áo tấc, chị nhận ra mỗi chi tiết trên những chiếc áo dài đó đều có ý nghĩa: “Tiếp cận với áo dài Việt cổ mới thấy được những nét độc đáo của nó. Mỗi một chi tiết như nút, cổ, thân, màu sắc… đều có những ý nghĩa khác nhau”.

Hiện tại, trong tủ đồ của Phi Yến có hơn 250 bộ áo dài, trong đó gần 50 bộ là cổ phục. Ngoài đi dạy, chị còn đi hát, dẫn chương trình, lồng tiếng, viết nội dung, viết sách, làm biên tập viên… Những chiếc áo dài gắn bó với chị qua mọi công việc. “Vào tháng 3 hàng năm, ở trường và địa phương có hoạt động tặng áo dài, với những bộ mà không còn mặc vừa, tôi sẽ soạn ra để tặng lại cho những người cần”, Phi Yến cho biết.

Lan tỏa văn hóa Việt

Đến nay, Phi Yến đã có 2 cuốn tản văn dưới bút danh Én (viết chung với tác giả Thích A Tèo), gồm: Chúng ta có hẹn với bình yên và Đến cuối cùng ai cũng cần một người thương. Tản văn của chị được viết nhẹ nhàng, mang đến những cảm xúc tích cực xung quanh các mối quan hệ về tình yêu, gia đình, bạn bè… như một cách “làm bạn” với những người trẻ.

Bên cạnh đó, Phi Yến còn là tác giả của những truyện ngắn được phát sóng trên kênh YouTube Hùng ca sử Việt về những nhân vật lịch sử tham gia trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Hiện tại, chị đang ấp ủ thực hiện một cuốn tiểu thuyết dã sử về cuộc đời công chúa Ngọc Hoa.

“Thông qua những tác phẩm này, tôi muốn lan tỏa tình yêu với lịch sử, đặc biệt là với những nhân vật ít được nhắc đến”, Phi Yến chia sẻ.

Trong công việc của một giáo viên Ngữ văn, cô giáo Phi Yến thường lồng yếu tố lịch sử, văn hóa vào trong các bài giảng hoặc hoạt động ngoại khóa của mình. Mong muốn học sinh có thể hiểu về tiến trình phát triển của áo dài Việt qua các thời kỳ, chị đã kết hợp với CLB Văn học của Trường THCS Kiến Thiết tổ chức chương trình Ngàn năm gấm lụa. Tại chương trình, các em học sinh sẽ được mặc những bộ áo dài tương ứng với từng thời kỳ lịch sử và cùng tìm hiểu xuất xứ, ý nghĩa màu sắc, hoa văn cũng như mục đích sử dụng trong những dịp lễ hội cụ thể…

Vừa qua, Phi Yến kết hợp các đồng nghiệp trong tổ Văn thực hiện chuyên đề Về miền cổ tích được tổ chức ngay dưới sân trường. Các em học sinh cùng thầy cô tìm hiểu thông điệp ẩn sau mỗi câu chuyện cổ tích quen thuộc.

“Như ở truyện Tấm Cám, người ta chỉ biết Tấm “ở hiền gặp lành”, được ông Bụt giúp đỡ, nhưng ít ai để ý các lần sau, Bụt không còn xuất hiện nữa. Bởi lúc này, Tấm đã mạnh mẽ hơn. Qua câu chuyện này, chúng tôi muốn lan tỏa đến các em thông điệp: Xưa là “ở hiền gặp lành” còn ngày nay chúng ta chính là ông Bụt của mình, phải tự nỗ lực để có được hạnh phúc”, Phi Yến chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục