Cô giáo đưa sợi cói vươn ra thế giới

Là một giáo viên dạy nhạc, song nhận thấy thế mạnh của làng nghề thủ công dệt cói Kim Sơn, chị Trần Thùy Nhi đã thành lập Công ty TNHH Vina Handicrafts để đưa các sản phẩm từ cói có mặt tại hơn 20 quốc gia trên thế giới.

Lưu giữ nghề truyền thống

Về thăm xã Quang Thiện (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) sẽ không khó bắt gặp hình ảnh nhiều nông dân tấp nập đan cói vì đây là nghề truyền thống địa phương đã có từ lâu đời. Song, người đã góp công đưa các sản phẩm cói Kim Sơn ra thị trường thế giới lại là một... cô giáo dạy âm nhạc. Đó là chị Trần Thùy Nhi, giáo viên Trường Tiểu học Hùng Tiến, kiêm tổng phụ trách đội của trường. Chị Nhi cũng là một trong 36 gương mặt được nhận giải thưởng Lương Định Của lần thứ 19 năm 2024 của Trung ương Đoàn.

Năm 2015, chị Nhi và chồng thành lập công ty, nhưng sau 3 năm, chị thấy rất khó phát triển nếu cứ đi theo lối mòn, sản xuất lối truyền thống. Vì thế năm 2018, công ty của chị chuyển hướng sản xuất - kinh doanh, tập trung nghiên cứu, sáng tạo, cho ra đời những sản phẩm mới, lạ. Trên nền tảng được tạo dựng từ nghề truyền thống quê hương, chị Nhi xác định phải sản xuất các mặt hàng độc, lạ, sáng tạo, phát triển sản phẩm lên tầm cao mới để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. “Tôi được thừa hưởng nghề dệt cói từ cha ông, ngay từ bé tôi đã thích mùi hương tự nhiên của cói. Cho dù có công việc ổn định tại trường nhưng tôi luôn khao khát bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống, tạo thêm việc làm cho bà con địa phương”, chị Nhi tâm sự.

O5B.jpg
Công ty Vina Handicrafts tạo việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương và khu vực lân cận

Chị Nhi gặp khá nhiều thuận lợi để phát triển công việc như có số nghệ nhân và nhân công dồi dào, nguồn nguyên liệu tại chỗ lớn và thân thiện với môi trường, được khách hàng đánh giá cao về thẩm mỹ cũng như thị trường ổn định, nhất là sự quan tâm của các cấp chính quyền và sự ủng hộ từ gia đình. Tuy nhiên, theo chị Nhi, trong rất nhiều công đoạn công phu, tỉ mỉ thì công đoạn khó nhất chính là phác họa mẫu mã, do khách hàng đã quá nhàm chán với các mẫu hàng thô, đồ gia dụng, mẫu đơn giản cũng như nhu cầu thẩm mỹ của cộng đồng tăng lên. Vốn có thiên hướng nghệ thuật, chị Nhi đã dày công sáng tạo ra hàng trăm mẫu mã khác nhau, mang phong cách thời trang bắt kịp xu hướng trong nước và quốc tế. “Dệt cói phải trải qua nhiều công đoạn như: chọn lựa nguyên liệu, phơi khô rồi đan tạo hình, nhúng keo, trang trí phụ kiện, đóng kho... chúng tôi chỉ phơi cói dưới nắng tự nhiên chứ không sấy lưu huỳnh nên sản phẩm an toàn với sức khỏe. Tôi cũng luôn khuyến khích mọi người không ngừng sáng tạo mẫu mã. Từ năm 2020, chúng tôi có 4.000m2 nhà xưởng, sản xuất tăng trưởng trên 50% mỗi năm”, chị Nhi cho biết.

Tạo kế sinh nhai cho người dân địa phương

Ngay khi mới thành lập công ty, chị Nhi đã nghĩ đến chuyện đưa sản phẩm xuất khẩu, lấy thị trường quốc tế làm trọng tâm. Với kiến thức về tiếp thị, nhờ sự học hỏi, chị Nhi tích cực tìm kiếm các đối tác nước ngoài, tham gia các hội chợ quốc tế. Kết quả ngay từ năm 2015, sản phẩm của công ty đã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc. Khách hàng nước ngoài rất thích sản phẩm từ cói vì thân thiện với môi trường. Hiện nay, sản phẩm cói của Vina Handicrafts đã có mặt tại châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Á... Xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, khó khăn nhất là cạnh tranh về giá, yêu cầu chất lượng cao và mẫu mã thay đổi thường xuyên. Đến nay công ty có gần 1.000 mẫu mã mang đậm chất văn hóa truyền thống Việt như chao đèn, con giống, túi xách, gương cói, khung ảnh, mũ cói... Gần đây, công ty cũng đưa thêm cây lục bình vào chuỗi sản xuất cùng cói.

Hiện nay, công ty duy trì sản xuất 30.000-40.000 sản phẩm/tháng, chủ yếu phục vụ thị trường quốc tế. Mỗi tháng, công ty xuất bán 10 container hàng, năng lực có thể xuất được 20 container/tháng. Doanh thu năm 2024 của công ty đạt hơn 30 tỷ đồng, nộp ngân sách 1,5 tỷ đồng. Nhờ có đơn hàng liên tục quanh năm nên công ty tạo việc làm thường xuyên cho hơn 70 lao động địa phương. Ngoài ra, hệ thống đại lý các cấp đã thu mua, bao tiêu sản phẩm cho hàng ngàn lao động thời vụ, sản xuất gia công ở huyện Kim Sơn, với mức thu nhập 4-8 triệu đồng/người/tháng, riêng với nhân viên may cói thu nhập 10-15 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, gần 1.000 hộ dân nhận đan cói ở các tỉnh như Nam Định, Thanh Hóa, Thái Bình cũng tham gia chuỗi sản xuất của công ty. Chị Vũ Thị Xuyến, một lao động tại công ty, chia sẻ: “Từ ngày tôi vào công ty, đời sống kinh tế gia đình được cải thiện. Ở đây chủ yếu là lao động địa phương nên mọi người rất đoàn kết, giúp đỡ nhau học nghề, phát triển kỹ năng và trở thành thợ giỏi”.

Ngoài công việc công ty, chị Nhi rất tích cực tham gia công tác xã hội tại địa phương, là Chi hội trưởng Chi hội Thanh niên tại công ty với hơn 50 hội viên. Công ty chị đã ủng hộ 100 triệu đồng để làm đường giao thông ở xã, trao 10 suất quà cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn dịp Trung thu, tặng 3 xe đạp cho 3 học sinh tại Trường Tiểu học Hùng Tiến dịp khai giảng năm học mới 2023-2024. Đặc biệt, chị Nhi nhận đỡ đầu thường xuyên 3 em đến khi hết cấp học, mỗi em 4,5 triệu đồng/năm theo định hướng của Tỉnh đoàn và Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Ninh Bình.

Công ty còn phối hợp với Trung tâm Học tập cộng đồng xã Quang Thiện mở lớp đào tạo cho đoàn viên, thanh niên, trong đó có chuyên đề cấp tỉnh “Phát triển nghề thủ công truyền thống huyện Kim Sơn”. Công ty hiện có 2 sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao là Túi bèo Vina Handicrafts và Gương cói Vina Handicrafts. Chị Trần Thùy Nhi còn đoạt giải A sản phẩm Túi cói thời trang cuộc thi mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ tỉnh Ninh Bình 2021; giải nhất Người đẹp áo dài 2021 cấp tỉnh; giải ba trong Hội thi giáo viên làm tổng phụ trách Đội giỏi tỉnh Ninh Bình 2022; giải thưởng Lương Định Của 2024 do Trung ương Đoàn trao tặng.

Tác giả NGUYỄN VĂN CÔNG

Bình chọn bài viết

Bài viết mới