Cô giáo dạy văn nuôi tâm hồn trẻ thơ những dòng nước mát lành

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hà và các cựu học sinh của cô trong ngày gặp lại
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hà và các cựu học sinh của cô trong ngày gặp lại

1. Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hà sinh ra trong một gia đình giáo học nổi tiếng ở vùng Thanh Nghệ Tĩnh. Cha là ông Đốc Quýnh nghiêm ngắn, thông tuệ, cũng là bạn thân thiết với họa sĩ Nguyễn Phan Chánh lừng danh. Bởi vậy lúc ấu thơ, cô giáo Hà đã được ông Nguyễn Phan Chánh cho theo học vẽ, nhưng bởi ngày ấy chiến tranh loạn lạc, cô giáo Hà chỉ có thể theo học ít năm, rồi sau đó, theo nếp nhà, cô thi vào trường sư phạm Liên khu 4. Từ năm 1953, cô trở thành giáo viên dạy văn, sử trong ngôi trường cấp 2 kháng chiến vốn rất hiếm hoi khi đó.

Hòa bình, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hà tiếp tục theo học Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Đỗ thủ khoa, cô tiếp tục theo đuổi ước mơ dạy học của mình tại những ngôi trường cấp ba nổi tiếng ở Hà Nội khi đó, như Trường THPT Trần Phú, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Trường THPT 3B Hà Nội… Nhiều thế hệ học sinh Hà Nội khi ấy, dù học trường nào nhưng hầu hết đều nghe tiếng về những tiết dạy văn đầy sống động, hấp dẫn của cô giáo Thanh Hà.

2. Năm 1947, giữa bối cảnh cuộc kháng chiến chống Pháp đang ở giai đoạn khó khăn, ác liệt nhất, Báo Cứu Quốc - Liên khu 4 trong quá trình di chuyển theo các đơn vị chiến đấu đã dừng chân tại một thôn nhỏ có tên Lai Triều, dưới chân núi Nưa (huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Trong số gia đình những người cầm bút của Báo Cứu Quốc có vợ chồng nhà báo Phan Ngọc Hoan, mà người yêu thơ văn cả nước đều biết đến tên tuổi với bút danh Chế Lan Viên. Chính ở cái thôn nhỏ đó, vợ chồng nhà thơ Chế Lan Viên đã đón đứa con đầu lòng, đặt theo tên của thôn, Phan Lai Triều.

Kháng chiến thành công, Phan Lai Triều theo cha về Hà Nội và gắn tuổi thơ mình với những mái trường phổ thông nơi đây. Dưới những mái trường này, như Phan Lai Triều kể lại, có một cô giáo đã để lại trong anh nhiều ân tình, nhiều kỷ niệm sâu sắc. Đó chính là cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hà, vừa là cô giáo dạy văn, vừa là chủ nhiệm lớp của anh ở Trường THPT 3B Hà Nội.

Trong trí nhớ của Phan Lai Triều, cô Thanh Hà luôn có giọng nói mang âm điệu Hà Tĩnh êm nhẹ, giảng văn rất truyền cảm và lôi cuốn. Cô có một ánh mắt vô cùng trìu mến với các em học sinh, và luôn mở ra trước các em những chân trời rộng lớn. Hơn thế nữa, cô có một tấm lòng yêu thương học sinh vô bờ bến, như một người mẹ thứ hai của các em. Hà Nội ngày ấy bước vào cuộc chiến đấu mới, cha mẹ đều rất bận rộn, người tham gia công tác sản xuất, người lên đường chiến đấu xa. Con em đành gửi nhà trường, nhờ thầy cô giáo chăm sóc.

Với tình thương yêu đặc biệt, cũng là nhiệm vụ thiêng liêng với Tổ quốc, các thầy cô đã chăm sóc các em hết sức chu đáo, tận tình, nhất là với các trò có những hoàn cảnh thiệt thòi hơn các bạn. Nhớ những ngày sơ tán, cô Thanh Hà phải đưa hàng trăm em học sinh đi sơ tán ở vùng trung du Sen Hồ, Hà Bắc. Vừa làm thầy cô, vừa làm cha mẹ cho học sinh, lo cho các con ở nhờ trong nhà bà con, lo từ miếng ăn, giấc ngủ cho đến trang sách và ánh đèn đêm đêm học bài.

Từ mái trường và tấm lòng cô giáo, các em trưởng thành và khi tốt nghiệp đều tình nguyện lên đường nhập ngũ. Trong đó có cả Phan Lai Triều, dù quê hương anh ở miền Nam, theo tiêu chuẩn thì được đi học, không phải nhập ngũ, chưa kể anh còn là con một nhà thơ rất nổi tiếng. Anh đã chiến đấu rất dũng cảm trong những tháng ngày ở Trường Sơn, và còn là một nhạc sĩ, tay đàn tay súng...

3. Khi đất nước đã yên bình, những học sinh ngày ấy rủ nhau đi tìm thăm các thầy cô giáo, trước hết là thăm cô giáo chủ nhiệm lớp Nguyễn Thị Thanh Hà. Phan Lai Triều nhớ lại: “Hôm ấy là một ngày thứ bảy năm 1994, chúng tôi đi tìm cô và đều xúc động vô cùng. Thời gian có thể làm cô già đi, tóc bạc ra, nhưng nét phúc hậu và giọng nói đầy truyền cảm ấm áp của cô vẫn vẹn nguyên như năm xưa.

Cô cầm tay tôi: “Triều của cô đây ư, cậu học trò tinh nghịch và cũng hết sức tình cảm của tôi”. Rồi cô thăm hỏi từng học trò của mình, có người rất thành đạt, nhưng cũng có người không may mắn trong cuộc sống, dường như càng làm cô quan tâm, chia sẻ nhiều hơn. Những bạn không may đã mất sớm, cô nói tên từng học trò mà nước mắt rưng rưng...

Điều mà các học sinh của cô hết sức khâm phục, là bất cứ trong hoàn cảnh nào, cương vị gì, cô vẫn luôn là một nhà giáo yêu đời, yêu nghề, yêu học sinh. Cùng gia đình vào TPHCM, cô tiếp tục theo ngành giáo dục. Cả đến khi hưu trí, cô vẫn đau đáu với sự nghiệp giáo dục, trồng chữ, trồng người. Cô vẫn mỗi tối đến các lớp từ thiện, trao gửi các em những vẻ đẹp của văn chương, của cuộc sống. Cô còn viết sách lịch sử cho các em, cho những người ham học. Ở quận 6 khi đó, nhiều người tham gia các lớp học bổ túc hẳn không quên được những giáo án rất tinh tế, phù hợp để xóa nạn mù chữ cho nhiều người, nhất là những người Hoa lớn tuổi. Những giáo án đó có công sức soạn thảo của cô Thanh Hà (cùng ông Trương Minh Nhựt và cô giáo Bùi Thị Kim Thục). Tất cả các công việc đó, từ đứng lớp, soạn tài liệu, sách... đều xuất phát từ tấm lòng của những nhà giáo, không mưu cầu một chút danh lợi nào.

CN4 ghi chep - che-lan-vien3-18229462.jpg
Nhà thơ Chế Lan Viên và con trai, nhạc sĩ Phan Lai Triều

Cũng trong buổi gặp lại cô giáo sau 30 năm xa cách, các bạn trong lớp biết Phan Lai Triều giờ đây là một nhạc sĩ, hội viên Hội Âm nhạc TPHCM và Hội Âm nhạc Việt Nam. Tất cả đều yêu cầu anh phải có một bài hát thật hay để gửi tặng cô giáo Thanh Hà nhằm bày tỏ tình cảm của mọi học sinh đến cô giáo. Phan Lai Triều đã có ngay bài hát “Ơi sông xanh” tặng cô giáo Thanh Hà. Điều thêm phần lý thú là bài hát này được phổ theo thơ của một nghệ sĩ rất nổi tiếng là NSƯT Tân Nhân - người đồng hương và vô cùng thân thiết với cha anh là nhà thơ Chế Lan Viên:

“Ơi sông xanh sông xanh

Tên cô là sông xanh

Cô giáo giọng ngọt ngào Hà Tĩnh

Nuôi tâm hồn trẻ thơ những dòng nước mát lành...”.

Đã nhiều năm trôi qua, nhưng lời hát như vẫn còn vang vọng mãi trong tâm hồn bao thế hệ học sinh của cô. Có lẽ với cô giáo Thanh Hà, được nhìn thấy những người học trò của mình trưởng thành, đó cũng chính là niềm hạnh phúc của một nhà giáo.

Tin cùng chuyên mục