Cả gia đình anh Đặng Văn Sinh (tổ dân phố Tân Cảng, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang) vừa trở về ngôi nhà xập xệ sau mấy ngày di tản chạy lũ. Lúc chúng tôi đến, anh Sinh cùng 2 con đang hì hục tháo chiếc bếp và bình gas buộc sát nóc nhà đặt xuống bàn để chuẩn bị bữa ăn trưa bằng những gói mì tôm vừa nhận được từ đoàn cứu trợ.
Không cầm lòng trước hoàn cảnh khốn khó, phóng viên Báo SGGP theo đoàn đề xuất lãnh đạo báo hỗ trợ thêm cho gia đình anh Sinh 1 triệu đồng cùng 20kg gạo. “Có gạo và tiền mua thức ăn rồi các con ơi!”, anh Sinh không giấu được xúc động.
Đoàn công tác cứu trợ tiếp tục lội nước lũ sâu hơn 0,5m theo con đường bê tông dài chừng 500m đến nhà bà Phạm Thị Đào (60 tuổi, tổ dân phố Tân Cảng). Chồng bà là ông Nguyễn Đoàn bị đột quỵ nằm liệt trong túp lều ghép bằng tôn cũ hoen rỉ. Nhận khoản tiền và gạo cứu trợ, bà Đào như muốn khóc. Chỉ lên dấu vệt lũ vừa rút cao quá đầu, bà kể: “Luống cuống theo lực lượng cứu hộ chạy lũ nên tôi chẳng mang theo gì. Gia đình làm nghề sông nước nên cũng không có gạo trữ. Giờ có cái ăn là tốt lắm rồi!”, bà Đào nói.
Rời thị trấn Thuận An sau khi trao quà và 2 tấn gạo của Công ty CP Tập đoàn Intimex (TPHCM) cứu trợ tới tận tay 100 gia đình đang gặp khó khăn, đoàn mang theo 2 tấn gạo nữa hướng về cửa biển Tư Hiền (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Bà con ở đây chủ yếu mưu sinh bằng nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản nên thiệt hại nặng nề do bão số 5, rồi lũ lụt kéo dài từ đầu tháng 10 đến nay.
Thượng tá Phạm Tùng Lâm, Phó Chính ủy BĐBP tỉnh Thừa Thiên - Huế, chia sẻ, những phần gạo cứu đói hỗ trợ bà con khó khăn trong lúc này là vô cùng quý giá. Mong sao Báo SGGP kết nối thêm nhiều tấm lòng hảo tâm hướng về đồng bào vùng bão lũ Thừa Thiên - Huế nói riêng và người dân nghèo các tỉnh miền Trung nói chung.