Chỉ vì kiếm tiền
Ra trường được 2 năm, làm nhân viên kỹ thuật điện công nghiệp, đúng với chuyên ngành đã học, tuy nhiên mức lương khoảng 7 triệu đồng/tháng không làm Mai Hồng Ân (24 tuổi, ngụ quận 7, TPHCM) hài lòng. Sau giờ làm, Ân chạy xe ôm công nghệ từ chiều đến gần nửa đêm mới trở về phòng trọ. Hai ngày cuối tuần, Ân nhận thêm công việc thiết kế và thi công điện cho các hộ gia đình.
Ân kể: “Làm thêm 2-3 việc, gom hết mỗi tháng mới được hơn 12 triệu đồng, tôi dành dụm gửi về nhà phụ ba mẹ lo cho đứa em đang học cấp 3, còn lại cũng đủ để mình chi tiêu thoải mái chút. Nếu chỉ có lương của công ty thì mình phải tiết kiệm hơn, không mua sắm theo ý thích được, rồi bạn bè đám tiệc ngày càng nhiều, nên còn trẻ thì ráng cày thôi”.
Hai tháng cuối năm, thường tan ca trở về nhà hơn 21 giờ hoặc có những ngày phải tăng ca làm việc và trực đêm, nhưng Lê Văn Tài (25 tuổi, ngụ quận 8) vẫn tiếp tục đăng ký lịch làm đêm. Tài cho biết: “Cuối năm, đơn hàng nhiều mà đơn nào cũng số lượng lớn, nên cả công ty phải tăng ca đóng hàng mới kịp giao cho khách. Mấy tháng cuối năm, tôi gần như chỉ biết đi làm rồi về nhà, tới nhà cũng hơn 9 giờ tối, cơm nước rồi chỉ muốn ngủ, bạn bè hẹn hò cà phê, tôi cũng dẹp hết, mạng xã hội cũng không lướt luôn”. Để có được vị trí Tổ trưởng Tổ kỹ sư hóa hữu cơ như hiện tại, nhiều tháng liền Tài chấp nhận làm ca đêm hoặc tăng ca. Những ngày nghỉ cuối tuần, Tài cũng dành thời gian nghiên cứu tài liệu.
“Ở công ty tôi, sếp rất quan trọng KPI (chỉ số tính hiệu quả công việc), nên ai làm tốt thì được đề cử lên quản lý. Mới ra trường rồi xin đi làm, không có kinh nghiệm thực tế nhiều nên tôi cố gắng làm việc, đọc thêm tài liệu về các loại hóa chất mà công ty đang nghiên cứu. Có khi tôi mất cả tháng trời để hoàn thành dự án nghiên cứu về hợp chất mới trình lên sếp, mỗi đêm chỉ chợp mắt có vài giờ rồi cố gắng làm tiếp”, Tài kể.
Nói về việc giữ gìn sức khỏe bản thân trước áp lực của công việc, Tài chia sẻ: “Làm việc trong môi trường hóa chất là sức khỏe bị ảnh hưởng. Có những lần làm hợp chất mới, cơ thể bị ám mùi đến độ tắm gội cả tuần cũng còn nghe. Việc tăng ca hay trực đêm khiến mình mệt vì thiếu ngủ, cộng thêm môi trường làm việc độc hại, tiền lương có cao nhưng sau này chắc cũng chỉ đủ tiền thuốc. Còn trẻ thì mình cố gắng thôi, đi làm cứ nhân viên hoài cũng chán, còn muốn thăng chức thì nỗ lực gấp đôi, ba lần, cái gì cũng có cái giá của nó”.
Đừng làm việc để chết
Có nhiều lý do, nhiều áp lực trong cuộc sống lẫn các áp lực vô hình buộc người ta phải nỗ lực hết mình khi còn trẻ, như: trách nhiệm với gia đình, trách nhiệm với bản thân, sợ thất nghiệp hay sự so sánh với bạn bè cùng trang lứa… Nỗ lực và cố gắng hết mình nhưng không có nghĩa phải làm việc bất chấp sức khỏe bản thân.
Dùng số tiền dành dụm được đi du lịch, nhưng cũng không quên gửi hồ sơ xin việc ở một số công ty đang tuyển nhân viên thiết kế nội thất, Lê Vĩnh Hoàng (26 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) kể: “Đi làm lương cao, ai cũng ham, nhưng nhiều việc quá, bản thân không kham nổi nên tôi xin nghỉ ở công ty cũ. Có công việc đúng chuyên môn thì phải cố gắng làm việc hết mình nhưng sức khỏe vẫn là quan trọng nhất. Tuần trước, bác sĩ nói tôi bị rối loạn tiền đình, tôi lên kế hoạch đi du lịch cho đầu óc thư giãn. Bây giờ, mới thấy thấm câu nói mà nhiều người hay đùa: đi làm chỉ đủ tiền uống thuốc”.
Anh Nguyễn Thành Nhân, một diễn giả về kỹ năng sống, cho rằng: “Hết mình với công việc để có được mức lương hay vị trí xứng đáng là điều mà người trẻ nên làm, nhưng không vì đó mà bất chấp sức khỏe, giới hạn của bản thân. Và cuộc sống là bên ngoài cánh cửa của công ty, công việc chỉ là một phần của cuộc sống, đừng nên mặc cả sức khỏe mà thậm chí là tính mạng của bản thân với công việc”.
“Nhiều bạn mới vô làm thường áp lực bởi chuyện lên lương, lên chức rồi lại cố gắng quá sức để được cấp trên ghi nhận. Mọi việc đều cần phải có thời gian, người quản lý hay cấp trên của bạn cũng phải có thời gian phấn đấu mới có được vị trí đó, mức lương đó, nên cứ bình tĩnh làm đúng công việc, đúng chuyên môn. Và nếu có điều kiện, cũng nên học thêm kỹ năng khác bên cạnh chuyên môn chính, để khi chán nản, mệt mỏi với công việc hiện tại, bạn hãy dũng cảm bước ra và tìm công việc mới, tìm nguồn cảm hứng khác cho bản thân, không quá sợ hãi khi đối mặt với chuyện mất việc hay thất nghiệp”, chị Cao Lữ Nhi (27 tuổi, quản lý nhân sự) chia sẻ kinh nghiệm bản thân.