Đại biểu (ĐB) Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) và một số ĐB chất vấn về vấn đề sắp xếp đơn vị hành chính, nhất là giải quyết vấn đề dôi dư.
ĐB Hồ Thị Kim Ngân cho biết, trong báo cáo của Chính phủ có nêu, sau 4 năm kể từ ngày nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp, đổi mới đối với từng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có hiệu lực thi hành thì vẫn còn năm 58/706 cán bộ, công chức cấp huyện; 1.405/9.694 cán bộ, công chức cấp xã dôi dư chưa được sắp xếp, giải quyết chế độ; có 5/6 đơn vị hành chính, chiếm 83,33% đô thị cấp huyện hình thành sau sắp xếp chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung đô thị; 43/152 đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch… Nguyên nhân là do phụ thuộc vào nguồn lực và khả năng cân đối ngân sách của các địa phương. Trong khi đó, đa số các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, gặp khó khăn về nguồn kinh phí để thực hiện. ĐB đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết giải pháp căn cơ để tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại trên.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trong giai đoạn 2019-2021, khi thực hiện sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện, 1.056 đơn vị hành chính cấp xã để giảm 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 651 đơn vị hành chính cấp xã thì có dôi dư 864 trụ sở. Đến thời điểm hiện nay mới giải quyết được 349 trụ sở, tương đương 40,39%. Tỷ lệ giải quyết tài sản dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính còn rất lớn.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân lớn nhất là việc xác định giá đất, giá tài sản gặp nhiều khó khăn. Vướng mắc, đặc biệt là phương pháp định giá và thuê doanh nghiệp thẩm định giá để xác định giá trị tài sản. Tuy nhiên, đến thời điểm này, những vướng mắc đã có sự tháo gỡ.
Hiện nay, Bộ Tài chính cũng đã hoàn thiện việc sửa đổi Nghị định số 67 (về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công), qua đó sẽ tháo gỡ được những vấn đề căn cốt nhất cho các địa phương trong việc thực hiện sắp xếp tài sản dôi dư. Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị các địa phương tập trung rà soát, hoàn thiện các cơ sở, điều kiện, nhất là cơ sở pháp lý để thực hiện tốt việc sắp xếp tài sản dôi dư.
Về vấn đề sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư tại các địa phương giai đoạn 2019- 2021, Bộ trưởng cho biết đã được giải quyết khá cơ bản. Đến nay, số cán bộ, công chức dôi dư ở cấp huyện là 58 người (chiếm 8,22%) và ở cấp xã là 1.405 người (chiếm 14,49%). Theo kế hoạch được giao, đến năm 2025 phải giải quyết xong việc này. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đánh giá cao nỗ lực sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư của các địa phương như Quảng Ninh, Thanh Hóa…
Để tiếp tục giải quyết và chuẩn bị cho giai đoạn năm 2023-2030, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định quan trọng để giải quyết vấn đề này, về chính sách tinh giản biên chế. Bộ trưởng mong muốn, trong thời gian tới, các địa phương tiếp tục quan tâm, tập trung, trách nhiệm để giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng về sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư trên cơ sở những chính sách hiện có, cố gắng đến hết năm 2025 kết thúc việc này.
ĐB Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu), ĐB Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) chất vấn về tiến độ thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong thời gian qua.
Trả lời về nội dung liên quan đến tiến độ xây dựng quy hoạch đơn vị hành chính các cấp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, Bộ Nội vụ đã chủ động tham mưu Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 139 (kế hoạch xây dựng quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính các cấp giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045) để khẩn trương triển khai các nhiệm vụ liên quan đến quy hoạch đơn vị hành chính các cấp. Quyết định đã phân công rất cụ thể đối với từng bộ, ngành, từng địa phương. Bộ trưởng mong muốn có sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương để làm căn cứ pháp lý cơ bản để thực hiện ổn định việc hoàn thiện đơn vị hành chính các cấp trong giai đoạn tới.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng cho biết, theo dự kiến phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, có 49 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.247 đơn vị hành chính cấp xã cần được sắp xếp. Trong số này, có 18 đơn vị hành chính cấp huyện và 111 đơn vị hành chính cấp xã được khuyến khích sắp xếp. Tổng số các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên thuộc 54 tỉnh, thành phố trong cả nước nằm trong diện sắp xếp.
Tuy nhiên, có 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 508 đơn vị hành chính cấp xã không thuộc diện sắp xếp. Bộ trưởng Bộ Nội vụ giải thích là do các đơn vị này hội tụ 1 trong 4 yếu tố đặc thù không phải sắp xếp gồm: có vị trí biệt lập, khó tổ chức giao thông kết nối với đơn vị hành chính khác; có địa giới hành chính đã hình thành ổn định từ năm 1945 đến nay và chưa có sự thay đổi; đơn vị có vị trí quốc phòng - an ninh trọng yếu, có truyền thống lịch sử, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán riêng biệt; đơn vị hành chính nông thôn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt sẽ là đơn vị hành chính đô thị trong giai đoạn 2023-2030.
Do đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, các đơn vị đặc thù này đã được địa phương đánh giá rất kỹ trong quá trình báo cáo hội đồng thẩm định và hội tụ đủ một trong các yếu tố đặc thù nêu trên nên những đơn vị đặc thù này sẽ không phải sắp xếp.