Cô gái và cuộc hành trình tìm mộ liệt sĩ

Cô gái và cuộc hành trình tìm mộ liệt sĩ

"5 năm - nghĩa là hơn 1.800 ngày. Hơn 1.800 ngày, mình hiểu thế nào là nỗi đau sau chiến tranh. Không một tiếng bom rơi, không một làn khói súng, nhưng vẫn có những tiếng nấc nghẹn ngào, những giọt nước mắt vội vàng, những nấm mồ liệt sĩ chưa rõ tên trong cuộc sống và giấc mơ của mình hàng đêm”. Những dòng đầy tâm trạng được viết nên từ một cô gái ngoài 30 tuổi làm tôi chú ý.

Càng đáng chú ý hơn khi cô gái trẻ ấy đã từ bỏ rất nhiều cơ hội riêng lo cho cuộc sống của bản thân mình để theo đuổi một công việc mà theo nhiều người là quá sức, là bao đồng, là chẳng lợi lộc gì: đồng hành trong hành trình tìm mộ liệt sĩ với hàng trăm ngàn gia đình liệt sĩ trên khắp cả nước.

  • Duyên nợ

Tại buổi họp mặt thân nhân các gia đình liệt sĩ ở TPHCM hồi tháng 4-2009, đứng đón khách ngoài tiền sảnh là một cô gái trẻ mặc đầm dài, đi giày cao gót, tóc uốn khá sành điệu. Khi tôi còn đang chắc mẩm cô gái là nhân viên lễ tân của khách sạn thì đã thấy cô đĩnh đạc cầm micrô… phát biểu khai mạc.

Thật bất ngờ: cô chính là giám đốc Trung tâm Quản lý dữ liệu về liệt sĩ và người có công (Marin), người đồng sáng lập và chịu trách nhiệm chính của trang web: www.nhantimdongdoi.org - một trang web đã trở nên thân thuộc với rất nhiều gia đình liệt sĩ trên đất nước Việt Nam.

Ngô Thị Thúy Hằng (bìa phải) tận tình hướng dẫn thân nhân liệt sĩ “giải mã” giấy báo tử. Ảnh: MAI HƯƠNG

Ngô Thị Thúy Hằng (bìa phải) tận tình hướng dẫn thân nhân liệt sĩ “giải mã” giấy báo tử. Ảnh: MAI HƯƠNG

Mỗi lần bắt đầu câu chuyện với thân nhân liệt sĩ, cô gái ấy thường có thói quen thanh minh: “Cháu không phải là nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng. Cháu là Ngô Thị Thúy Hằng ở Trung tâm Quản lý ngân hàng dữ liệu về liệt sĩ và người có công Marin”.

Việc thành lập Marin cũng hết sức tình cờ, nói đúng hơn là nó bắt đầu từ một cuộc tìm kiếm vô vọng. Hằng có một người bác ruột hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Bà ngoại mất, để lại di chúc cho mẹ cô là phải tìm cho bằng được mộ của bác. Cô nhớ lại: “Khi anh em tôi đã qua tuổi mẫu giáo, mẹ bắt đầu đi tìm. Mẹ đi khắp nơi, đến rất nhiều nghĩa trang, cầu viện đến cả thầy bói, nhà ngoại cảm mà vẫn không tìm được. Gia đình chỉ biết lấy ngày 27-7 hàng năm để giỗ bác”.

Mãi đến năm 2004, tình cờ, Hằng được một nhóm sinh viên mê tin học của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội “rủ rê” lập trang web www.nhantimdongdoi.org. Bị thuyết phục bởi ý nghĩa xã hội của trang web, Hằng tham gia. Thế nhưng đến khi trang web ra đời được một thời gian thì lần lượt từng thành viên trong nhóm ra trường, tìm được việc làm là… bỏ cuộc. “Lúc đó, tôi có cảm giác nếu như trang web biến mất thì giống như mình đã cho gia đình liệt sĩ một hy vọng, một chỗ dựa rồi lại đột ngột dập tắt niềm hy vọng ấy” - Hằng nhớ lại.

Thời gian đó, cô đang tiếp tục cuộc hành trình đi tìm mộ bác. Nỗ lực của Hằng đã giúp cô tìm được nghĩa trang mà bác cô nằm, nhưng lại không tài nào xác định được mộ bác giữa 50 ngôi mộ vô danh. “Hàng tháng, tôi đến nghĩa trang thắp hương cho hết 80 ngôi mộ, trong đó có gần 50 ngôi chưa rõ tên. Lần nào về cũng u uất, buồn thương vô hạn. Có xa mấy đâu, từ Thái Bình sang Bình Lục, mà bác tôi sao đi đến mấy chục năm vẫn chưa về được nhà. Cuộc tìm kiếm của gia đình tôi tưởng chừng đã đến đích, tưởng chừng chỉ còn cách bác tôi một tầm tay với, vậy mà…” - Hằng nói như muốn khóc.

Thấm thía đến tận cùng nỗi đau của thân nhân liệt sĩ, cô quyết định duy trì trang web, với hy vọng giúp được điều gì cho hàng trăm ngàn gia đình liệt sĩ vẫn chưa tìm được người thân ở khắp mọi miền đất nước. Từ đó, cô cử nhân ngành báo chí chính thức bước vào “quãng đời đặc biệt”- chính thức thấp thỏm, hy vọng, khóc, cười cùng nỗi đau và niềm hạnh phúc của những gia đình đi tìm mộ liệt sĩ.

  • Thử thách

Chấp nhận duy trì trang web, để trang web thật sự có chất lượng, là chấp nhận sự đánh đổi. Tốt nghiệp cử nhân báo chí, ra trường, Hằng từng làm phóng viên ở Tạp chí Sành Điệu, làm quảng cáo, làm biên tập viên ở Tạp chí Thời Trang Trẻ, làm thư ký biên soạn ở Viet Book. Thế nhưng, cho đến năm 2008, cô đã chính thức xin nghỉ việc để tập trung phát triển trang web.

Từ chỗ là một cô gái vô tư, sinh ra và lớn lên trong thời bình, Hằng gần như đã trở thành một “chuyên gia” trong lĩnh vực chính sách cho người có công. Cô nghiên cứu rất nhiều tài liệu liên quan đến lịch sử của các đơn vị quân đội qua các thời kỳ.

Bước chân cô đã đặt tới hầu hết các chiến trường xưa, bộ chỉ huy quân sự, các Sở LĐTB-XH, Phòng LĐTB-XH các quận, huyện, xã, sang tận địa phận Lào, Campuchia để tìm kiếm thông tin cung cấp cho gia đình liệt sĩ.

Cô giải thích: “Nhiều lần, chúng tôi đã tiếp xúc với những tờ giấy báo tử vẻn vẹn một dòng chữ: “Hy sinh tại mặt trận phía Nam” hay chỉ ghi đơn vị chiến đấu là những chữ cái như KT, KB, KN, KH, P2, P1, những con số D301, 470, 471… Người thân liệt sĩ biết làm gì với những chữ cái, hay những con số ấy. Không manh mối, không phương hướng, việc tìm kiếm rất tốn kém, mất thời gian mà không có kết quả. Trong khi đó, tại các đơn vị - từ cấp trung đoàn, sư đoàn, quân đoàn, quân khu đều có khá đầy đủ danh sách liệt sĩ thuộc các đơn vị, nhưng vì bí mật quân sự trong chiến tranh, phần nhiều giấy báo tử chỉ ghi phiên hiệu, rất khó khăn cho việc tìm kiếm”.

Sau một thời gian tìm hiểu, trải nghiệm thực tế, Hằng và các cộng sự đã hệ thống được cách giải mã các phiên hiệu đơn vị quân đội, các mặt trận qua nhiều giai đoạn được ghi trên giấy báo tử. Tìm được cách giải thích phiên hiệu nào, cô cho đăng lên trang web.

Chính thức hoạt động từ ngày 26-10-2004, đến nay, sau 5 năm, trang web www.nhantimdongdoi.org đã trở thành người bạn đồng hành, thành điểm tựa tinh thần của nhiều gia đình liệt sĩ. Hầu như ngày nào, trung tâm cũng nhận được rất nhiều thông tin, nhiều cuộc điện thoại xin được tư vấn, giúp đỡ. Hàng trăm thông tin phải xử lý, hàng chục thông tin cần được chia sẻ mỗi ngày.

Hằng và các đồng sự vẫn miệt mài thầm lặng hàng ngày bên máy tính, bên những trang thư, con chữ, hầu mong gắn kết, chắp nối những thông tin ít ỏi, rời rạc của từng liệt sĩ để có thêm manh mối giúp cho hành trình tìm mộ liệt sĩ của gia đình bớt phần mông lung và tuyệt vọng.

  • Cầu mong...

Một ngày cuối tháng 5-2009, Hằng vừa đọc thư vừa khóc. Đây là lần thứ 2, cô nhận được thư của cụ bà Ngô Thị Bốn, 86 tuổi, ngụ tại xóm 4, xã Diễn Hạnh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, nhờ tìm mộ của chồng là liệt sĩ Nguyễn Tư, hy sinh ngày 4-9-1952. Nơi hy sinh ghi trên trích lục hồ sơ của liệt sĩ là Thanh Hương.

Thư bà viết: “Tôi tuổi cao sức yếu không thể đi tìm mộ của chồng. Tôi đã hỏi rất nhiều nơi, hỏi rất nhiều người nhưng không ai trả lời cho tôi biết Thanh Hương là gì. Bản trích lục này phải khó khăn lắm tôi mới xin được tại Cục Thương binh - Liệt sĩ và Người có công của Bộ LĐTB-XH. Tôi có thư hỏi, họ cũng trả lời là: Không biết gì đâu, đừng hỏi!”. Thông tin còn lại trên bản trích lục là liệt sĩ Tư thuộc Trung đoàn 101.

Lá thư của bà cụ chỉ có duy nhất một manh mối là Trung đoàn 101. Hằng lao đến thư viện, tìm được cuốn lịch sử của Sư đoàn 325 và cuối cùng đã tìm ra địa danh Thanh Hương. “Thanh Hương nằm trong dãy làng kháng chiến xếp thành hình chữ Nhất, theo trục đường số 68 kéo dài từ bờ sông Thạch Hãn vào đến cửa Thuận An, trên dải đất cát bồi kẹp giữa biển với đoạn cuối của sông Vĩnh Định đổ vào phá Tam Giang”. Nơi đây là địa bàn chiến đấu của Sư đoàn Bình Trị Thiên.

Tìm được rồi, Hằng ngồi nắn nót hàng giờ để viết một lá thư dài hơn 2 trang A4 để giải thích, hướng dẫn cho cụ Bốn.

Chuyện của cụ Bốn chỉ là một trong số rất nhiều những trường hợp đã được Trung tâm Marin chia sẻ và giúp đỡ. Cho đến đầu năm 2009, Hằng bắt đầu tổ chức những đợt họp mặt, tư vấn về cách thức tìm mộ từ giấy báo tử cho thân nhân gia đình liệt sĩ ở các tỉnh, thành phố (TP). Hiện cô đã tổ chức họp mặt tại Hà Nội, TPHCM, TP Vinh, TP Hải Phòng. Cả ngàn người đã đến với Hằng để chia sẻ thông tin.

Hằng kể: “Hôm họp mặt ở Vinh, thấy một cụ bà mái tóc bạc phơ tay ôm tấm bằng Tổ quốc ghi công của chồng được bọc trong bao tải, thấy cháu bé 6 tuổi ôm khư khư di ảnh của ông nội theo bố đến tham dự hội thảo, tất cả chúng tôi đã không kìm được nước mắt”. Thời gian thì vô tình, những đồng đội còn sống, những người cùng thời, những thế hệ con, cháu gần nhất của liệt sĩ rồi sẽ ra đi. Khi đó, dù thế hệ sau có bỏ ra bao nhiêu công sức, thời gian và tiền bạc cũng khó lòng mà tìm được mộ hay trả lại tên cho những phần mộ liệt sĩ vô danh.

Xuất phát từ suy nghĩ đó, Hằng quyết định dồn sức thực hiện dự án Đài tưởng niệm liệt sĩ trực tuyến. Khi xây dựng thành công, kết nối được thông tin hoàn chỉnh nhất về liệt sĩ từ 3 nguồn: đơn vị chiến đấu, địa phương và thông tin từ gia đình, đài tưởng niệm liệt sĩ trực tuyến sẽ là một nghĩa trang ảo lớn nhất cả nước. Chỉ cần một cái click chuột, thông tin về liệt sĩ sẽ hiện ra. “Khi tất cả thông tin về liệt sĩ được đăng tải trực tuyến, đó cũng là manh mối để kết nối với những đồng đội còn sống của liệt sĩ và từ đó, cơ hội tìm được mộ sẽ tăng lên” - Hằng hào hứng nói.

Để thực hiện được ước vọng có phần lãng mạn đó, hiện tại Hằng đang liên hệ với các địa phương, các đơn vị quân đội và gia đình liệt sĩ trên khắp cả nước để hoàn chỉnh hồ sơ về các liệt sĩ. Đồng hành cùng cô là những sinh viên tình nguyện từ các trường đại học, các nhóm công tác xã hội tại từng địa phương.

Thấy Hằng cứ suốt ngày ăn cơm nhà rồi miệt mài đi như con thoi, bạn bè xót ruột: “Sức đâu, tiền đâu mà lang thang hết Trường Sơn, Quảng Trị rồi Đường 9 Nam Lào?”. Hằng chỉ cười: “Đằng sau mình còn hàng ngàn người thân liệt sĩ!”.

Có một chuyện vui là nhiều người cứ lầm tưởng Marin trực thuộc một cơ quan nhà nước và nhân viên hưởng lương của nhà nước. Thực tế, đây là một tổ chức tự nguyện, mọi kinh phí hoạt động đều do các thành viên và tổ chức, cá nhân hảo tâm đóng góp.

Có người ác miệng, bảo Hằng lập web để câu quảng cáo, lừa tiền. Cô cười xót xa: “Toàn những cô bác nông dân, có khi muốn gửi chút tiền ủng hộ trung tâm mà còn không biết cách gửi tiền vào tài khoản. Có người lặn lội từ Lạng Sơn xuống chỉ để cho mình một cái quạt, từ trong Nam ra chỉ để đưa mình những di vật cuối cùng của liệt sĩ, hay tặng mình một cây phong lan nở hoa đúng ngày giỗ liệt sĩ”.

Có dạo, vào blog cá nhân của Hằng, thấy một câu slogan: “Thấm mệt cái đường xa, mong sao đừng đứt gánh”. Trong entry đó của Hằng, cô kể chuyện mấy ông cán bộ, lãnh đạo ở tỉnh A, tỉnh B vô cảm trước nỗi đau thân nhân liệt sĩ mà cô đã gặp trong quá trình thực hiện dự án. Cũng trên trang blog cá nhân đó, nhiều hôm tôi bắt gặp Hằng khóc và thất vọng.

Cứ tưởng sau những chuyện ấy, cô sẽ thôi mộng tưởng, sẽ xếp lại những dự định dường như quá sức để trở về cuộc sống bình thường: kiếm tiền, lấy chồng, sinh con như bao cô gái khác. Nhưng rồi mỗi khi gọi điện tới trung tâm hay gặp cô ở một buổi họp mặt thân nhân liệt sĩ, lại vẫn thấy một Thúy Hằng đầy trăn trở, đầy cảm thông và kiên nhẫn giải thích đi giải thích lại không biết mệt về phiên hiệu đơn vị, trận đánh cuối cùng của liệt sĩ, hướng dẫn đường đi nước bước tìm mộ cho những bà cụ đã nghễnh ngãng hay những chị phụ nữ quê mùa, chỉ biết nấc nghẹn mà không nói nên lời… Lúc ấy, tôi chỉ biết cầu mong cho cô gái trẻ sẽ không bao giờ đơn độc trên hành trình hun hút kiếm tìm của mình…

ĐOÀN MAI HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục