Từ bé, Đinh Thị Tuyết đã yêu thích công việc may vá, thêu thùa. Sau khi tốt nghiệp THPT, cô không vào đại học mà chọn theo con đường thiết kế, may mặc. Cô ra Hà Nội theo học lớp đào tạo thiết kế thời trang, sau đó về nhà mình ở TP Sầm Sơn mở một tiệm may nhỏ để khởi nghiệp.
Thời gian đầu, Tuyết nhận may cho khách hàng như các thợ may bình thường khác. Một lần tình cờ, cô được xem một số sản phẩm tái chế từ quần áo cũ. Sự tình cờ này đã tạo ấn tượng mạnh cho cô gái trẻ.
Tại sao mình không tái chế quần áo cũ thành những sản phẩm mới? Tìm hiểu kỹ hơn và qua thực tế, Tuyết nhận thấy ngành nghề của mình có lượng rác thải khá lớn. Nếu biết tái chế quần áo cũ, không những sẽ có sản phẩm mới mà còn tiết kiệm và giảm lượng rác thải không hề nhỏ.
Nghĩ là làm. Tuyết bắt đầu tận dụng quần áo cũ của mình và người thân trong gia đình, để tạo nên những chiếc túi xách, váy, áo… xinh xinh, lạ mắt. Quá trình tái chế các sản phẩm này, cô đều dùng điện thoại ghi hình lại, sau đó chia sẻ lên mạng xã hội. Thật bất ngờ, những chia sẻ của Tuyết nhận được rất nhiều phản hồi tích cực, cổ vũ việc làm ý nghĩa này.
Đến nay, chỉ sau hơn 3 tháng đến với “vẻ đẹp tái chế”, Tuyết nhận được rất nhiều đơn hàng, không chỉ trong tỉnh Thanh Hóa mà từ các địa phương xa xôi như Cần Thơ, Đồng Nai, Đắk Lắk, Hà Nội…
Những bộ quần áo cũ gửi tới đều được Tuyết lên ý tưởng, thiết kế để tạo ấn tượng độc đáo, riêng biệt cho người sử dụng. Mỗi sản phẩm tái chế hoàn thành, cô chỉ nhận tiền công từ 100.000 đồng - 150.000 đồng.
Tuyết chia sẻ, ngoài kiếm thêm thu nhập, mong rằng công việc tái chế quần áo cũ sẽ góp phần nhỏ bé hạn chế rác thải ngành may mặc, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Thời gian tới, cô sẽ thiết kế thêm nhiều mẫu mã, đa dạng, trẻ trung để thu hút các bạn trẻ.