Cô gái sống dưới tầng hầm Natascha và Hội chứng Stockholm

THANH HẰNG
Cô gái sống dưới tầng hầm Natascha và Hội chứng Stockholm

Câu chuyện Natascha Kampusch, một thiếu nữ Áo trở về sau 8 năm bị giam cầm trong tầng hầm dưới ga ra ô tô, đã gây sửng sốt với người dân Áo và trên toàn châu Âu. Sự trở về của Natascha đã giải mã cho vụ án mất tích bí ẩn suốt gần chục năm. Ngày 6-9-2006, Hãng truyền thông Áo (ORF) thực hiện một cuộc phỏng vấn trực tiếp trên truyền hình với Natascha Kampusch. Cuộc phỏng vấn thu hút hàng triệu người dân Áo, những người đồng cảm với số phận của một cô bé bị bắt cóc từ thuở lên mười cho đến khi trở thành thiếu nữ.

* 8 năm sống dưới tầng hầm

Cô gái sống dưới tầng hầm Natascha và Hội chứng Stockholm ảnh 1
Natascha trong một cuộc phỏng vấn với ORF.

Sau 8 năm bị giam giữ, Natascha trở về nhà và nhận được sự quan tâm không chỉ của những người thân mà còn cả sự săn đuổi của các hãng tin. Hàng chục hãng tin mong muốn có một cuộc phỏng vấn cô về câu chuyện bị bắt cóc và ngần ấy năm chung sống với kẻ bắt cóc chứa đựng bao bí ẩn.

500 cuộc phỏng vấn được chào mời liên tục, nâng số tiền trả cho một cuộc phỏng vấn với Natascha lên đến con số kỷ lục: 300.000 bảng Anh.

Ngày 6-9, một cuộc phỏng vấn trực tiếp với Nastacha được thực hiện trên Hãng truyền hình Áo (ORF). Nội dung xoay quanh nỗi khiếp sợ và những cảm xúc đau buồn trong suốt 8 năm Natascha bị giam cầm.

Vào ngày 2-3-1998, cô bé Natascha Kampusch, 10 tuổi, học sinh tiểu học, đột nhiên mất tích khi đang trên đường đến trường. Cảnh sát Áo đã mở cuộc điều tra lớn nhất trong ngành điều tra của nước này, nhưng không lần tìm được bất kỳ dấu vết nào, cô bé Natascha vẫn biệt vô âm tín.

8 năm sau, ngày 23-8-2006, nhờ trốn thoát thành công khỏi tầng hầm bị giam giữ, Natascha đã giúp các nhà điều tra Áo phá vỡ vụ án tưởng chừng sẽ chìm vào lãng quên. Cô bé đã gây sự ngạc nhiên về khả năng nhận biết sự vật, biết đọc, biết viết và có trí thông minh khá đặc biệt do tên Wolfgang trong thời gian giam giữ Natascha đã giáo dục cô “một cách rất cẩn thận”.

Cảnh sát bắt đầu truy lùng và đưa ra ánh sáng kẻ bắt cóc Natascha. Thủ phạm là Wolfgang Priklopil, 44 tuổi, kỹ thuật viên viễn thông. Do quá hoảng sợ về việc tội lỗi của mình bị phơi bày, trong khi bị cảnh sát truy đuổi, hắn đã lao xe hơi đâm thẳng vào đoàn xe lửa đang chạy.Cảnh sát Áo chỉ còn hy vọng tìm kiếm một người đàn ông khác mà họ tin là tòng phạm trong vụ bắt cóc Natascha, để tìm hiểu rõ hơn về động cơ đích thực của vụ bắt cóc.

Các nhà điều tra cho rằng cô bé có nhiều khả năng bị Wolfgang lạm dụng tình dục trong thời gian dài, dựa trên những trích đoạn nhật ký của Natascha. Các nhà tâm lý cho biết, về mặt sinh học, Natascha đang là thiếu nữ, nhưng về tình cảm cô vẫn là đứa trẻ chưa đủ nhận thức về bản thân.

Họ cho biết có thể phải mất vài năm điều trị liên tục, Natascha mới có thể quay trở lại cuộc sống bình thường. Natascha thậm chí đã từ chối và tránh tiếp xúc với cha mẹ và người thân ngay từ sau lần gặp đầu tiên. Cô chỉ thường xuyên liên lạc với cha mẹ (nay đã ly dị) bằng thư từ và điện thoại.

Hiện thời, cô đang ở một địa điểm an toàn và bí mật, chỉ một chuyên gia tâm lý luôn gần gũi giúp đưa cô trở lại sự cân bằng. Bên cạnh đó cô còn được một bác sĩ túc trực bên cạnh. Natascha không đưa ra một lý do cụ thể nào về việc từ chối không gặp cha mẹ và người thân, cô chỉ nói đang muốn ở một mình. Các chuyên gia tâm lý cho rằng đó là do hậu quả của việc bị giam cầm nhiều năm liền trong tầng hầm biệt lập dưới ga ra thiếu ánh nắng mặt trời ở một làng tại Strasshof, cách Vienna 15 km về phía Tây Bắc.

Điều gây bất ngờ và ngạc nhiên cho những chuyên gia điều tra là Natascha đã khóc khi nghe tin Wolfgang tự tử. Cô thậm chí không hề tỏ ra căm giận kẻ đã giam cầm mình trong ngần ấy thời gian.

Khi được hỏi lý do tại sao không trốn thoát khi có cơ hội trong suốt 8 năm ấy, Natascha nói Wolfgang đã dọa trong nhà có bom và đe dọa cả tính mạng của cha mẹ cô nếu như Natascha trốn thoát khỏi hắn. Cô không cung cấp hết tình tiết về những hành vi ứng xử của Wolfgang và điều đặc biệt là cô lên tiếng đòi sở hữu căn nhà của tên tội phạm khi hắn vừa chết.

Theo các chuyên gia tâm lý, cô đang muốn bao che tội phạm và muốn lưu giữ những kỷ niệm nơi xưa kia cô bị giam cầm. Các chuyên gia tâm lý cho rằng Natascha hiện mắc phải triệu chứng bệnh hiếm thấy “Hội chứng Stockholm”.

Hội chứng Stockholm

“Hội chứng Stockholm” là thuật ngữ mô tả hội chứng tâm lý nạn nhân bị mắc phải sau khoảng thời gian dài bị giam giữ đã trở nên có thiện cảm với kẻ bắt cóc. Từ sự sợ hãi ban đầu họ chuyển sang thông cảm và quý mến kẻ bắt cóc mình. Nguồn gốc của thuật ngữ bắt nguồn từ một vụ bắt cóc xảy ra vào ngày 23-8-1973 tại Stockholm, Thụy Điển.

Một tên cướp có vũ trang gây chấn động cả thế giới khi xông vào Ngân hàng Kreditbanken, Stockholm, uy hiếp và bắt giữ các con tin trong suốt 6 ngày. Tên cướp Jan Erik “Janne” Olsson đe dọa giết họ nhưng sau nhiều ngày diễn biến kịch tính, 4 trong số các nhân viên ngân hàng bỗng quay lại lên án những chuyên viên điều tra và nhân viên cảnh sát tham gia giải cứu họ.

Các nhà khoa học sau thời gian nghiên cứu đã kết luận và đặt tên cho triệu chứng phát sinh sau khi bắt cóc này là “Hội chứng Stockholm”. Theo các nhà tâm lý học, đó là cơ chế tự vệ tự giác hoặc tự phát của người bắt cóc nhằm đương đầu với tình huống và tránh nguy hiểm. Thậm chí, “Hội chứng Stockholm” còn được xem có liên quan đến hiện tượng tẩy não.

Chỉ có một vài trường hợp trong lịch sử được cho là có liên quan đến triệu chứng này vì đây cũng là hội chứng hiếm thấy. Trường hợp của Natascha mới được phát hiện là một. Trước đó, nữ triệu phú Mỹ Patty Hearst bị tổ chức Symbionese Liberation Army (SLA) bắt cóc vào tháng 2-1974. Sau 2 tháng, nạn nhân bị bắt cóc đã giúp tổ chức trên cướp nhà băng liên tục cho đến tháng 9 năm 1975. Sau khi ra tòa, Patty Hearst tuyên bố bà chính là nạn nhân của “Hội chứng Stockholm”.

Trường hợp khác là Elizabeth Smart, 14 tuổi, người Mỹ. Cô bé bị cặp vợ chồng người Mỹ Brian David Mitchell và Wanda Ileen Barzey bắt giữ vào năm 2002. Elizabeth đã bị giam giữ 9 tháng trong ngôi nhà và không trốn thoát khi có cơ hội. Cảnh sát phát hiện trong cuốn nhật ký của cô là những trang viết đầy tình cảm dành cho những người bắt cóc.

Một trường hợp gần đây bị nghi ngờ có liên quan đến “Hội chứng Stockholm” là nữ nhà báo Yvonne Ridley của tờ Daily Express bị phiến quân Taliban bắt giữ 11 ngày tại Afghanistan vào tháng 9-2001. Trong suốt thời gian bị bắt giam cô hứa với các tên phiến quân là sẽ trở thành một phần tử Hồi giáo ngay khi trở về London.

Sau đó, năm 2003, cô bỗng nhiên trở thành một tín đồ Hồi giáo thực thụ dù lúc đó chẳng hề có sự cưỡng ép nào từ phía các phiến quân Taliban. Các chuyên gia tâm lý đã xếp cô vào “Hội chứng Stockholm” nhưng Yvonne đã phản đối mạnh mẽ, cô cho rằng mình chỉ tôn sùng đạo Hồi và cảm thấy có hứng thú với đạo Hồi.

Các nhà khoa học vẫn chưa đưa ra được liệu pháp hữu hiệu nhất để điều trị “Hội chứng Stockholm”. Giải pháp tạm thời hiện nay là trị liệu tâm lý cho bệnh nhân một thời gian dài, giúp bệnh nhân hồi phục và ổn định về mặt tâm lý.

THANH HẰNG

 

Tin cùng chuyên mục