Xã Bình Trung (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) là vùng đất có truyền thống trồng mía và làm đường từ cây mía. Từ xưa, những sản phẩm làm ra từ cây mía đã rất nổi tiếng, không chỉ trong tỉnh mà còn vươn xa tới các tỉnh bạn. Một thời nghề mật mía, đường mía dạng sệt nức tiếng, cả xã Bình Trung có đến vài chục lò đường như vậy.
Trải qua thời gian, nghề truyền thống thủa nào rồi cũng dần lùi xa, mai một và tại vùng quê này, hiện nay chỉ còn một lò ép mía đường duy nhất của ông Trịnh Huệ (thôn Tiên Đào, xã Bình Trung) và người con gái của ông Huệ, chị Trịnh Thị Kim Oanh là người kế nghiệp gia đình, giữ lửa cho nghề truyền thống.
Chị Oanh cho biết: “Vào những năm 80, 90 của thế kỷ trước, thời ông, bà, cha tôi còn làm nghề mía đường, mỗi phi đường là 300kg có thể bán được với trị giá 3 chỉ vàng. Thời đấy, những thợ làm đường giỏi có thể làm rất nhiều phi đường, làm kỹ, làm đẹp, người chủ trả tiền cao hơn”.
Trong câu chuyện của chị Oanh, nghề làm mía đường dần hiện ra, khoảng 60 hộ trong làng, mỗi hộ chỉ dựng trại gỗ lên, che lại bằng mái tranh để làm lò đường, các người thợ làm luân phiên ở các lò đường, người lo thu hoạch mía, người phụ trách ép nước mía, nấu đường, đổ vào muỗng, rút mật, tinh đường. Công việc liên tục khiến vùng quê trở nên huyên náo từ sáng sớm đến tối muộn.
Chị Oanh nói: "Bây giờ ba tôi đã lớn tuổi, nghề làm đường muỗng, đường sệt cũng không còn chỗ đứng trên thị trường như trước. Ba tôi đã chuyển nghề nấu đường mật để bán cho những người nuôi trồng thủy sản, họ dùng mật mía để xử lý nước trong ao nuôi và phòng bệnh cho tôm. Cách nấu cũng đơn giản hơn, chỉ cần nấu nước ép mía cho đến khi đặc lại, để nguội và xuất bán".
Tiếc nghề xưa, chốn cũ, chị Oanh đã mở lại nghề làm mía đường, vừa học theo quy trình làm mía đường truyền thống, vừa cải tiến chất lượng mật mía cho phù hợp với thị trường.
Chị Oanh cho biết, sau khi thu hoạch mía về, cây mía được đưa đi ép nước ngay, công việc ép mía diễn ra nhanh chóng, sau đó, người thợ mang những xô nước mía đã ép vào những cái chảo gang lớn đang rực lửa. Những người thợ khác sẽ đảm nhiệm khuấy đảo nước đường, bên dưới lò, bã mía được tận dụng làm chất đốt. Công việc nấu nước đường mía kéo dài khoảng 2 tiếng, vừa nấu vừa vớt bọt mía nổi trên bề mặt chảo.
Tuy nhiên, để tạo mật mía chất lượng, chị Oanh đã thay đổi quy trình làm mía đường, chị cho biết: "Nếu như làm mật mía ngày xưa, chỉ cần lọc cặn 1-2 lần, nhưng làm như vậy, đường còn rất thô và còn cặn mía, trong khi thị trường ngày nay rất khắt khe tiêu chuẩn sản phẩm. Do vậy, kể từ khi đường mía được nấu xong, tôi để từ 3-4 tiếng để cô đặc lại thành mật và chắt lọc liên tục cho đến khi màu mật mía chuyển sang trong suốt".
Lúc này, người thợ đổ vào nồi và đánh đều tay liên tục cho đến khi thành đường cát. Cuối cùng, sử dụng những khuôn làm từ gỗ để đổ đường ra khuôn, chờ khoảng 2 tiếng để đường đông lại.
Mong muốn giữ nghề truyền thống chị Oanh đã tiếp nối công việc gia đình, chị cải tiến quy trình làm mía đường để tạo ra các loại sản phẩm như mật mía, đường cát hoa mơ, bánh đường mía thô, đường mía nguyên mật.
Theo chị Oanh, hiện nay, người dân có xu hướng sử dụng đường sạch rất nhiều và đường từ mật cây mía luôn tự nhiên và đảm bảo vị ngọt thanh thơm lừng. Tôi cũng chú trọng đến tạo ra nhiều sản phẩm, không chỉ đường mía mà còn đường cát hoa mơ, loại đường cát này có thể thay thế cho đường trắng trong nấu ăn, đảm bảo không hóa chất, không chất bảo quản.
Từ khi bắt đầu gây dựng lại lò mía đường của gia đình, sau 2 năm khởi nghiệp, chị Oanh đã có những thành công ban đầu là tiếp cận thị trường các tỉnh, thành thông qua mạng xã hội với lượng bán ra khoảng 0,5 tấn đường nguyên chất/năm.
Khởi nghiệp từ mía đường vẫn còn nhiều khó khăn trước sự cạnh tranh thị trường, nhưng những người như chị Oanh đang góp phần hồi sinh nghề truyền thống như sự kết tinh giữa nỗi gian nan vất vả với những nét đẹp mộc mạc của một làng nghề.
Ông Huỳnh Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Trung, cho biết: "Nghề làm mía đường tại xã Bình Trung đã có từ lâu đời và từng là nghề mang lại nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình. Nghề này cũng được ghi vào nhóm ngành nghề truyền thống của huyện và tỉnh Quảng Ngãi. Hiện nay do đầu ra sản phẩm từ mía đường ngày càng khó khăn nên rất ít người còn giữ nghề. Chị Oanh là một trong số hiếm hoi giữ nghề truyền thống, nâng tầm nghề mía đường lên thành sản phẩm có giá trị, mang tính thương hiệu. Sắp tới, địa phương sẽ xem xét đề xuất sản phẩm OCOP từ các nghề truyền thống này, hy vọng giữ gìn, phát huy nghề đang dần mai một này".