Nếu đến ấp Tâm Lộc, xã Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) hỏi về cô học trò Danh Diễm Trinh (19 tuổi) thì hầu như ai cũng biết, bởi em là một tấm gương vượt khó học giỏi tiêu biểu của địa phương. Vì hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, ngay từ lúc học lớp 5, cha mẹ Diễm Trinh đã phải gửi em cho ông bà nội để chăm lo việc ăn học.
Thế nhưng, kinh tế của ông bà nội Trinh cũng gặp khó khăn, vất vả không kém. Bà Dương Thị Sane (64 tuổi, bà nội của Trinh) cho biết: “Gia đình có 3 công đất rẫy, làm lụng vất vả cũng chỉ mong đủ cái ăn qua ngày. Tranh thủ lúc rảnh rỗi, tui và chồng đan đát thêm các sản phẩm bằng tre, sau đó chở đi khắp nơi bán để kiếm thêm thu nhập. Thấy cháu mình ham học nên dù vất vả, khó khăn đến mấy tui cũng cố gắng để cho nó có cái chữ cái nghĩa”.
Mỗi khi bà về tới nhà cũng là lúc trời tối mịt, người bà dính đầy bụi đường, gương mặt hiện lên vẻ mệt mỏi, nhọc nhằn. Cũng từ hình ảnh đó đã khiến em quyết tâm phải học tập thật giỏi, xem như là sự đền đáp cho những hy sinh của bà.
Nhắc đến cô học trò Khmer hiếu học, ông Trương Sà Rinh, Trưởng ban nhân dân ấp Tâm Lộc, cho biết: “Diễm Trinh là niềm tự hào của bà con phum sóc nơi đây. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng em vẫn vượt qua và đạt được kết quả học tập vô cùng ấn tượng. Em xứng đáng là tấm gương sáng cho những con em đồng bào dân tộc noi theo”. |
Ngoài ra, Diễm Trinh còn giành giải nhì môn Sinh học tại kỳ thi học sinh giỏi của tỉnh Sóc Trăng, và còn giành liên tiếp 2 giải ba và giải nhì trong kỳ thi học sinh giỏi giải Toán trên máy tính cầm tay.
Ngay từ nhỏ, Diễm Trinh đã từng ước mơ được trở thành một bác sĩ và đây cũng là mong mỏi của người bà mà em kính trọng. Năm 2018, để chinh phục ước mơ của mình, Diễm Trinh mạnh dạn đăng ký thi tuyển vào ngành y khoa. Không uổng công miệt mài đèn sách, niềm vui đã đến với gia đình Diễm Trinh khi em trúng tuyển vào Trường Đại học Y Dược TPHCM, với tổng số điểm đạt được là 25,2.
Tuy nhiên, niềm vui đến với những người thân của Diễm Trinh chỉ xảy ra trong ngắn ngủi. Bà nội của em tâm sự: “Được tin cháu đậu ngành bác sĩ tui mừng đến không ngủ được suốt nhiều đêm liền. Mừng vui là vậy, nhưng mỗi khi nghĩ đến việc làm sao để lo chi phí cho cháu ăn học ở thành phố xa xôi, tui cảm thấy lo lắng và thương cho cháu nó”.
Hiện nay, ông bà nội của Diễm Trinh đã lớn tuổi nên không thể lao động như trước nữa, trong khi đó ông bà còn phải chăm sóc thêm bà cố của Trinh (86 tuổi), khiến kinh tế gia đình càng khó khăn hơn.
“Mọi chi phí học tập của Diễm Trinh đều do các thành viên trong gia đình chắt chiu, gom góp lại, nhưng chẳng thấm vào đâu so với mức sinh hoạt đắt đỏ tại TPHCM”, bà nội Trinh chia sẻ trong nghẹn ngào.
Tiếp sức cùng sinh viên Danh Diễm Trinh, Hội đồng quản lý Quỹ học bổng Nguyễn Văn Hưởng (do Báo SGGP sáng lập) năm 2019 đã quyết định tặng học bổng toàn phần (25 triệu đồng/suất/năm, liên tục trong 6 năm) cho em. Đây là phần thưởng xứng đáng dành cho một sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nhưng nỗ lực vượt qua nghịch cảnh để vươn lên học tốt.