Cùng bắc cầu công lý
Hiện chưa nhiều người ở Pháp biết về thảm họa chất độc da cam thời chiến tranh Việt Nam. Chưa kể từ đó đã bao thế hệ lớn lên rồi nhiều chuyện về hiện tại và tương lai choán bận tâm trí. Vậy làm sao vẽ tranh nhưng phải kết hợp thông tin đồ họa để một đề tài không dễ đối diện trở nên dễ hiểu và được thấu cảm?
Để hóa giải điều này, Trâm Anh quyết định dựng một cây cầu với những miếng ghép là các bức đồ họa. Cô đã đưa nhiều điều mới mẻ, sinh động, thậm chí thân thiện vào một đề tài đau thương của quá khứ. Từ đây, người xem xót xa trước ảnh hưởng của chất độc da cam đến môi trường và xã hội, hiểu tại sao bà Trần Tố Nga lại kiên trì với cuộc đấu tranh giành công lý suốt bao năm qua, cảm thấy sự cần thiết của các dự án tín dụng nhỏ, giúp đỡ người khuyết tật ở vùng bị ảnh hưởng chất độc da cam tại Việt Nam. Sự kết nối này đủ mạnh về nội dung và tinh tế về biểu đạt, giúp người xem từ chỗ băn khoăn “Chất độc da cam là gì?” đến “Là như vậy sao?!” rồi tự vấn “Phải làm gì cho cuộc sống tốt đẹp hơn?”. Các tác phẩm của Trâm Anh ra mắt khán giả vào tháng 8-2021 tại trụ sở Hội Người Việt Nam tại Pháp, sau đó được triển lãm tại Tòa thị chính quận 13 của Paris, cùng ngày diễn ra hội thảo về sử dụng vũ khí hóa học (1-12-2021).
Mọi hành trình đều có xuất phát điểm. Trâm Anh nhớ lại: “Khi tôi 7-8 tuổi, ba tôi, nhà báo Võ Trung Dung, bắt đầu làm phóng sự về nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam. Tôi đã sốc khi nhìn những bức ảnh đó. Nhưng cảm xúc lúc ấy nằm lại trong ký ức. Thế rồi năm 2021, Tòa đại hình Evry ở Pháp mở phiên tranh tụng liên quan vụ kiện của bà Trần Tố Nga chống lại các công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất chất độc da cam rải xuống Việt Nam. Chủ đề này trở lại sân khấu, truyền thông bắt đầu nhắc nhiều hơn. Ký ức thức giấc. Tôi muốn đóng góp bằng cách phổ biến câu chuyện này thông qua các bức vẽ của mình gửi tới khán giả trẻ”.
Paris của tuổi trẻ không lạc lối
16 tuổi tốt nghiệp trung học, 21 tuổi lấy bằng thạc sĩ quản lý kinh doanh quốc tế tại Đại học Paris Dauphine; từng làm cho các tập đoàn kinh tế lớn, đổi nghề, theo học 6 tháng về thiết kế đồ họa; được thuê làm việc ngay khi tốt nghiệp... lại bỏ. Nếu chỉ đọc qua hồ sơ này, sẽ có cảm giác Trâm Anh cũng như nhiều người trẻ cùng lứa, không dễ dàng biết ngay mình muốn làm gì. Cô bộc bạch: “Tôi sợ không thể tạo dựng sự nghiệp từ nghệ thuật. Bởi vậy, tôi lựa chọn giải pháp an toàn với một chương trình đa ngành - kết hợp giữa kinh doanh, khoa học và khoa học xã hội. Tôi từng làm việc 2 năm cho tập đoàn Saint-Gobain, có nhiều kinh nghiệm quý, đồng nghiệp cũng dễ chịu. Nhưng vẫn không nhận ra đóng góp cụ thể của mình trong lĩnh vực này, môi trường này. Tôi chưa đủ đam mê và chưa tìm ra cách đóng góp không chỉ cho công việc mà còn cho cộng đồng”.
Trâm Anh nhớ có lần ba cô đã hỏi “tại sao con bỏ ra bao nhiêu năm học về kinh tế mà tốt nghiệp lại đổi nghề?”. Trâm Anh trả lời: “Con học để hiểu. Muốn hiểu phải tìm vào bản chất, cách thức vận hành của nó mới mong thay đổi được điều gì đó”. Nhưng ngay cả khi tốt nghiệp ngành đồ họa, Trâm Anh vẫn tự hỏi chẳng lẽ ý nghĩa cuộc sống của mình chỉ là chú tâm làm quảng cáo cho các công ty bán dầu hỏa, buôn vũ khí? Cả một khối mâu thuẫn của tuổi trẻ! Thật mừng, đó là thứ mâu thuẫn của người có lý tưởng sống.
Dần dần, đôi chân cô gái trẻ hướng ra ngoại ô Paris, lúc này đang dừng ở Saint-Ouen-sur-Seine. “Đây là một thành phố nhỏ nhưng năng động, coi trọng giáo dục, văn hóa và môi trường. Nơi này đang có chính sách về giới tính và các vấn đề di dân phù hợp quan điểm của tôi”. Còn gì tuyệt vời hơn khi nghệ thuật trở thành công việc chính của Trâm Anh hiện nay.
Là Trâm Anh hay Olivia?
Thực ra băn khoăn và hành trình đi tìm “tôi là ai” của Võ Trâm Anh khá điển hình cho lớp người trẻ gốc Việt ở nước ngoài. Trâm Anh trong mắt ba là đứa trẻ sớm có cá tính, sớm thể hiện sự phẫn nộ với bất công và không bình đẳng. “Ba kể lúc bé tôi hay vặn vẹo tại sao con phải đi ngủ sớm, tại sao con gái không được làm cái này, không được chơi cái kia? Ở trường tôi cũng sớm ý thức và hãnh diện bảo vệ văn hóa gốc của mình”, cô nhớ lại.
Trâm Anh thừa nhận: “Tôi đã luôn muốn mọi người phải phân biệt được người Trung Quốc và Việt Nam, không phải cứ ai không thuộc Đông Á thì đều là người Trung Quốc, hoặc bảo trông giống nhau cả thôi. Vào tiểu học, có vài tuần tôi đã yêu cầu gọi mình là Olivia thay vì Trâm Anh. Bởi tôi quá mệt mỏi khi mọi người cứ phát âm và gọi sai tên mình. Tôi nghĩ nên như người khác hơn là khác người khác. Nhưng rất nhanh sau đó, tôi nhận ra mình thích Trâm Anh hơn. Cái tên này giúp khẳng định danh tính, nguồn gốc của tôi. Tôi tự hào về tên Trâm Anh”. Cô kể thêm: “Tôi lớn lên ở Paris, nơi chủ yếu là người da trắng. Tôi thấy mình không giống họ hoặc không bình thường như họ. Ở Pháp khi ấy rất thiếu đại diện châu Á trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Thật lạ lẫm khi ta lớn lên mà không được xem ai giống mình trên phim ảnh, quảng cáo hay sách báo. Điều này đã ảnh hưởng sự tự tin trong tôi. Vài năm gần đây có nhiều đại diện châu Á trên truyền thông hơn, nhận thức về các vấn đề chủng tộc cũng nâng lên”.
Tìm thấy mình là Trâm Anh, chứ không phải Olivia còn xuất phát từ những cây cầu và hành trình kết nối bền bỉ khác. Về thăm Việt Nam thường xuyên, cùng gia đình ở TPHCM rồi đi Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), Thừa Thiên - Huế, Trâm Anh được tắm mình vào không khí “giống như được về nhà với gia đình mình, nhưng đây là về nhà với cả đất nước mình. Được nghe người ta nói tiếng Việt quanh mình, được ngửi mùi vị thức ăn quen thuộc, khám phá những con phố và nghe ba mẹ kể chuyện thời tuổi thơ. Tôi cảm thấy mình thuộc về đất nước này”.
Không tự coi mình là nhà hoạt động xã hội, nhưng Trâm Anh đang hành động như một nhà hoạt động xã hội. Cô tham gia hội “PAAF” (Panasiafeminist) để cùng cam kết đấu tranh chống lại sự bất công về chủng tộc và giới tính. Và cũng chung dòng suy nghĩ không ngừng về quá khứ - hiện tại - tương lai trong cuốn tiểu thuyết Moon Palace yêu thích, cô gái trẻ này tiếp tục tìm đường và chỗ đứng của mình trong năm mới 2022. “Sẽ là năm con hổ, năm tuổi của tôi đấy! Có quá nhiều điều muốn làm. Vẽ minh họa cho một cuốn sách thiếu nhi, viết cuốn tiểu thuyết đồ họa, hoàn thành một bức tranh tường… Tôi tin mọi thứ sẽ đến đúng thời điểm. Tôi đang làm việc để nắm lấy thời điểm đó”, Trâm Anh chia sẻ.