Cô gái gieo ước mơ bóng đá cho trẻ vùng cao

Hơn 4 năm qua, Quỹ Gieo ước mơ bóng đá do Nguyễn Thị Trúc Phương sáng lập đã đem môn thể thao “vua” đến với hàng ngàn trẻ em vùng cao, thắp lên ước mơ trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp cũng như phát hiện những viên ngọc quý cho bóng đá nước nhà.

Làm thiện nguyện bằng bóng đá

Cô gái trẻ Nguyễn Thị Trúc Phương là 1 trong 20 thanh niên nhận giải thưởng Thanh niên Sống đẹp 2023 do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trao tặng. Cô gái sinh năm 1998 (quê ở Đồng Nai) vốn là người đam mê thiện nguyện, thường xuyên vận động xây cầu, xây trường, tặng quà cho trẻ em vùng cao.

h5a-5755.jpg
Trúc Phương đã mang bóng đá đến với hàng ngàn trẻ em ở vùng cao

Năm 2019, trong lần đi thiện nguyện tại Đắk Nông, Trúc Phương tình cờ thấy một nhóm bạn nhỏ người dân tộc Mạ đá bóng trên sân đất. Hình ảnh hai chiếc dép để 2 bên làm cầu môn, bàn chân trần các em rướm máu, mải miết đuổi theo quả bóng đã cũ, rách khiến Trúc Phương xúc động, nghẹn lòng. Cô hỏi han, các em nhỏ nói không có tiền mua giày, mua bóng nhưng rất yêu thích bóng đá, có ngã cũng tự đứng dậy và nụ cười luôn nở trên môi.

Những chuyến thiện nguyện sau đó, món quà Trúc Phương luôn mang theo là những trái bóng, đôi giày, quần đùi áo số... Trúc Phương cho biết, bóng đá là môn thể thao “vua”, mang tính tập thể cao giúp các em nhỏ rèn luyện sức khỏe và tránh xa tệ nạn xã hội, hủ tục nên cô quyết tâm đưa bóng đá trở thành đam mê cho trẻ em vùng cao.

Xuất thân trong một gia đình nghèo khó và hiện là một nhân viên kinh doanh, mức thu nhập chỉ đủ lo cho bản thân và gia đình, để theo đuổi một dự án dài hơi không phải là chuyện dễ dàng. Thế nhưng, Trúc Phương đã quyết tâm thành lập Quỹ Gieo ước mơ bóng đá vào tháng 1-2020 với ý định trở thành một trạm trung chuyển, phát hiện tài năng bóng đá từ các em nhỏ có điều kiện khó khăn.

“Ban đầu chỉ có mỗi tôi thực hiện dự án và lại là con gái nên phải rất cố gắng để mạnh thường quân tin tưởng. Nhiều người bảo rằng, sao không tặng quà, tặng sách vở mà đi tặng bóng đá, liệu có thiết thực không? Tôi phải giải thích rất nhiều về mục đích của dự án cũng như làm rõ tính minh bạch”, Trúc Phương chia sẻ.

Trúc Phương mạnh dạn đi sâu và mở mối quan hệ với giới bóng đá phủi ở TPHCM. Bằng sự chân tình, Trúc Phương đã thuyết phục được nhiều anh em quan tâm, ủng hộ tiền và vật chất cho dự án non trẻ của cô. Cô có mặt ở hầu hết các “giải phủi” đến nỗi ai cũng lầm tưởng Trúc Phương là bạn gái của cầu thủ nào đó hoặc “nữ doanh nhân” tài trợ cho các giải đấu. “Quỹ luôn trong tình trạng 0 đồng. Số tiền mạnh thường quân ủng hộ được công khai và ngay lập tức được mang đi thực hiện dự án chứ tôi không để số dư. Khi lớp học được tổ chức, tôi sẽ mời nhà tài trợ đến tham dự, truyền thêm cảm hứng theo đuổi bóng đá cho các em nhỏ”, Trúc Phương tâm sự.

Lấy bóng đá nuôi bóng đá

Để duy trì nguồn quỹ ổn định, Trúc Phương đã áp dụng chính sách lấy bóng đá nuôi bóng đá, lấy sự đủ đầy của thành thị để san sẻ thiếu thốn của bóng đá ở vùng sâu vùng xa. Trúc Phương đã tổ chức các giải bóng đá thiện nguyện gây Quỹ Gieo ước mơ bóng đá. Các giải đấu do Trúc Phương tổ chức thành công rực rỡ và dần có chỗ đứng trong giới bóng đá phủi ở TPHCM. Các mạnh thường quân không chỉ hỗ trợ kinh phí mà còn tài trợ cơ sở vật chất, quần áo, giày thể thao...

Những lớp bóng đá miễn phí của Trúc Phương không thể thành công nếu không có sự giúp đỡ của các tình nguyện viên, cán bộ cơ sở và niềm đam mê bóng đá của các bạn nhỏ. Trong đó phải kể đến HLV Phạm Hồng Thắng, cán bộ Sở VH-TT-DL tỉnh Đắk Nông.

HLV Phạm Hồng Thắng cho biết: “Trước kia, tôi mở lớp bóng đá phong trào thu nhập khoảng 12 triệu đồng/tháng. Sau đó được Trúc Phương ngỏ lời mời tham gia dự án. Tôi thấy rất ý nghĩa và nhận lời cho dù mức lương mới thấp hơn nhiều. Hàng ngày, tôi phải di chuyển 60km đến lớp dạy mới nhưng chỉ cần nhìn thấy các em được theo đuổi ước mơ bóng đá, tôi thấy rất vui nên đã gắn bó đến năm thứ 4. Trong lớp có cả các em dân tộc Kinh và dân tộc thiểu số. Bóng đá đã giúp các em gắn kết với nhau hơn, chỉ cần các em có niềm đam mê với trái bóng tròn thì đều được nhận vào lớp học từ cơ bản đến chuyên sâu”.

Đến nay, Quỹ Gieo ước mơ bóng đá đã hỗ trợ cơ sở vật chất cho 13 sân bóng làng, xã ở tỉnh Đắk Nông; xây dựng 1 sân bóng, hỗ trợ cơ sở vật chất thường xuyên cho 3 sân bóng, tổ chức giải bóng đá cộng đồng cho thanh thiếu niên ở huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang); tổ chức 15 chương trình với hơn 5.000 em nhỏ được hưởng lợi từ các hoạt động của dự án. Cùng với đó là hàng chục lớp bóng đá miễn phí tại 7 tỉnh (Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Phú Yên, Hà Giang, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế) đã và đang được xây dựng, vận hành giúp hàng ngàn em nhỏ vùng sâu vùng xa thỏa sức đam mê với trái bóng tròn.

Hơn 4 năm gieo ước mơ bóng đá, Trúc Phương và HLV Phạm Hồng Thắng đã “sàng lọc” được 27 bạn nhỏ ưu tú gửi đến các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp để đào tạo, điển hình như Tuấn Bảo đang ở đội U12 Becamex Bình Dương, Đỗ Hữu Lợi đang ở đội U13 Đắk Lắk… Các em tham gia các giải đấu đã mang về một số chức vô địch và á quân. Ngoài ra, còn phải kể đến Ngọc Tân, Khôi Nguyên, K Trường, K Biển, Thái Hoàng... rất tiềm năng và đang được trui rèn trước khi gửi đến các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp.

Trong tương lai, Trúc Phương hy vọng sẽ có thêm các nhà tài trợ tâm huyết với bóng đá và tăng cường kết nối mạng lưới tình nguyện viên cơ sở để mở thêm các lớp bóng đá, ươm mầm, phát hiện những viên ngọc quý xuất thân từ nghèo khó cho bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Trúc Phương cho biết, mỗi năm quỹ sẽ mở thêm 3-5 lớp tại các tỉnh vùng cao. Năm 2023, lớp Gieo ước mơ bóng đá ở Đắk Nông đã được đại diện tỉnh tham dự giải bóng đá U9 toàn quốc và giành được thứ hạng cao.

Từ ngày sân bóng thôn 8 xã Quảng Khê (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) đi vào hoạt động, chẳng mấy khi sân bóng được “nghỉ ngơi” do niềm đam mê quá lớn của các em nhỏ nơi đây. Em Y Khánh, 10 tuổi, chia sẻ: “Con học bóng đá được 2 năm và chưa bỏ buổi tập nào. Xã con có 2 lớp bóng đá, mỗi lớp hơn 40 bạn. Con ước mơ sau này sẽ trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp”.

Tin cùng chuyên mục