4 nhà leo núi Nguyễn Thị Thu Hằng (Trường THPT Kim Sơn A, Ninh Bình), Vũ Quốc Anh ( Trường THPT Ngô Gia Tự, Đắk Lắk), Văn Ngọc Tuấn Kiệt (Trường THPT Thị xã Quảng Trị, Quảng Trị), Lưu Đào Dũng Trí (Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội, Hà Nội) cùng tranh tài để giành vòng nguyệt quế vinh quang.
Ngay từ đầu chương trình, sau các màn giới thiệu thú vị, 4 nhà leo núi bước vào phần thi Khởi động. Ở chặng đua đầu tiên, Quốc Anh là thí sinh có màn thể hiện tốt nhất với 90 điểm. Xếp sau nam sinh Đắk Lắk là Thu Hằng, Dũng Trí, Tuấn Kiệt lần lượt có số điểm 60, 50 và 30.
Tới vòng thi Vượt chướng ngại vật, chỉ sau một hàng ngang gợi ý, Thu Hằng bất ngờ nhấn chuông giành quyền trả lời chỉ sau 1 dữ liệu. Với việc tìm ra đáp án đúng là “Y tế”, nữ sinh giành được 80 điểm, vươn lên dẫn đầu đoàn leo núi với 150 điểm. Đây được coi là điểm chốt tạo đà giúp cho Thu Hằng bứt phá và cô liên tiếp giành được những điểm số cách biệt.
Với số điểm chung cuộc là 235 điểm, Nguyễn Thị Thu Hằng là thí sinh nữ đầu tiên lọt vào chung kết Olympia sau 8 năm và là nhà vô địch Olympia 20 năm qua. Đứng ở vị trí thứ 2 là Vũ Quốc Anh ( Trường THPT Ngô Gia Tự, Đắk Lắk). Đồng hạng 3 là hai thí sinh Lưu Đào Dũng Trí (Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội, Hà Nội), Văn Ngọc Tuấn Kiệt ( Trường THPT Thị xã Quảng Trị, Quảng Trị),
Sau 20 năm phát sóng, “Đường lên đỉnh Olympia” vẫn giữ được sức hấp dẫn khi là sân chơi kiến thức dành cho học sinh THPT cả nước, chương trình có tuổi đời dài nhất của VTV. Khác với 19 trận chung kết trước, phần thưởng của nhà tài trợ được tăng từ 35.000 USD lên 40.000 USD để phục vụ việc du học của quán quân (nơi học do thí sinh lựa chọn).
Thí sinh về nhì sẽ nhận được 100 triệu đồng tiền thưởng, người về ba là 50 triệu đồng.
Ngoài ra, tương tự các năm trước đó, Đại học Swinburne (Australia) sẽ trao học bổng 100%, 50%, 25% lần lượt cho thí sinh về nhất, nhì, ba theo học tại trường.