Những ngôi nhà tình nghĩa
Hành trình theo chân Chảo Mùi Cói và chồng cô để xây dựng một ngôi nhà mới cho anh Tẩn Láo Tả ở thôn Ngải Trồ 2 (xã A Mú Sung, huyện Bát Xát) khá gian nan. Ngôi nhà anh Tả nằm trên con đường đi Y Tý, cách nhà của vợ chồng Cói tới 35km. Vậy mà hàng ngày, họ chở nhau đi xe máy tới nhà Tả để thăm hỏi cuộc sống gia đình anh, xem cách anh cùng vợ và hai con sinh hoạt như thế nào, trước khi bàn kế hoạch xây dựng một ngôi nhà mới cho đôi vợ chồng người Dao đỏ.
Ngôi nhà hiện hữu giống một cái lều hơn, vì khung được dựng bằng mấy cái cột tre, gỗ và phủ bạt, mùa đông thì rét, còn mùa hè nóng bức. Đồ đạc trong nhà chẳng có gì giá trị ngoài cái giường và nồi cơm điện.
Chảo Mùi Cói giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn ở quê hương cô |
Anh Tả bị tâm thần phân liệt, tinh thần không ổn định, trong khi vợ bị câm. Thậm chí, cô con gái đầu của hai người cũng không nói được, còn bé thứ hai mới được mấy tháng tuổi, lúc nào cũng được mẹ địu phía sau, kể cả trong lúc làm việc.
Vì thế, từ chỗ ban đầu chỉ là việc kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ nhà anh Tả chi phí sinh hoạt hàng ngày, mua một số vật dụng cần thiết, Cói bắt đầu nghĩ đến việc xây dựng một ngôi nhà mới cho họ sau khi anh Tả chuyển đến tạm ở ngôi nhà mà cha nuôi dành cho cô con gái ruột của ông.
Mất thêm khá nhiều thời gian cùng chính quyền xã A Mú Sung vận động, đặc biệt là sự hỗ trợ tận tình của Phó Chủ tịch UBND xã Ma Seo Củi, cuối cùng Cói cũng thuyết phục được cha nuôi của Tả dành mảnh đất bên cạnh cho anh dựng nhà. Chỗ đất vốn chỉ trồng ngô, thả vịt này đã được dọn dẹp sạch và đổ đất san nền với diện tích khoảng 30m2.
Những ngày sau đó, xe chở tôn, cột sắt tập kết đầy đủ trước cửa nhà của Tả, sau khi Cói đã vận động được các nhà hảo tâm hỗ trợ số tiền hơn 50 triệu đồng. Ngôi nhà được hoàn thành sớm nhờ sự giúp sức của vợ chồng Cói và những người dân trong thôn.
YouTuber của núi rừng
Từ Yên Bái, Lào Cai tới Tuyên Quang hay Hà Giang, tôi đã làm quen được với rất nhiều YouTuber của vùng cao phía Bắc, như Sapa TV, Nhịp Sống Tây Bắc, Về Miền Tây Bắc, Hoa Ban Tây Bắc, Gái Bản, Trai Bản, Giàng A Pháo… Có thể nói, họ đã góp một phần công sức vào việc quảng bá du lịch, gìn giữ và bảo tồn những nét văn hóa bản địa thông qua nhiều video độc quyền và có sức hút lớn.
Thực tế, nhiều YouTuber ở vùng Tây Bắc như vừa kể trên cũng có các hoạt động giúp đỡ người nghèo nơi họ sinh sống, nhưng với một cô gái trẻ như Cói, điều này đòi hỏi cô phải nỗ lực hơn để biến những điều không thể thành có thể. Cói là một YouTuber có cách làm khác với các YouTuber kia.
Sinh ra và lớn lên ở bản Trung (xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, Lào Cai), ngay từ hồi nhỏ, Cói đã được xem nhiều phóng sự, phim tài liệu về mảnh đất quê hương cô. Khi đó, cô gái sinh năm 2000 này ước mơ sau này cũng có thể làm được những thước phim như vậy, để mọi người biết nhiều hơn về con người và cuộc sống vùng cao Tây Bắc.
Cô nghĩ rằng, nếu làm YouTuber có thể giới thiệu con người, mảnh đất Lào Cai đến với nhiều người thì cô cũng muốn qua các video có thể vận động, kêu gọi mọi người giúp đỡ cho những cá nhân, gia đình đặc biệt khó khăn.
Cói lớn lên từ nghèo khó và cô hiểu rõ cuộc sống nơi đây vẫn còn gian nan, vất vả như thế nào. Vì thế, nếu có xem những video trên kênh Cói Lalin, sẽ bắt gặp ở đó hình ảnh cô gái người Dao chân đi dép lê, ân cần hỏi han các nhân vật cần sự giúp đỡ, hay lao vào xúc đất, vận chuyển nguyên vật liệu xây nhà cho họ.
Khi tôi hỏi Cói, theo đuổi công việc sáng tạo nội dung có mang lại thu nhập ổn định cho cô không. Cô gái 23 tuổi chỉ cười và nói: “Ít lắm anh ạ, chỉ đủ tiền xăng xe đi lại”. Cũng có thể vì kênh YouTube Cói Lalin mới đạt hơn 97.000 sub (100.000 sub sẽ đạt Nút bạc). Kênh TikTok cùng tên của cô mới đạt hơn 63.000 lượt đăng ký và 1,4 triệu lượt thích.
Hiện tại, Cói vẫn làm thêm việc kinh doanh các sản vật của vùng cao như mật ong, măng, các loại dược liệu để chăm lo cho gia đình nhỏ của mình. Bé con trai của Cói mới 5 tuổi đã thường xuyên quen với sự thiếu vắng cha mẹ hàng ngày. Những lúc đó, hai vợ chồng cô vẫn rong ruổi trên các cung đường Lào Cai trong hành trình “Chia sẻ tấm lòng - Kết nối yêu thương”, như thông điệp cô luôn ghi ở mỗi đầu video của mình.
Ngôi nhà của anh Tẩn Láo Tả chỉ là một trong hơn 20 ngôi nhà cùng 2 con đường dân sinh đã được Cói vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ và xây dựng cho người nghèo, những hộ gia đình khó khăn ở Lào Cai.
Bên cạnh những trường hợp của anh Sáng, cha đơn thân nuôi 4 con ở Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương; của anh Phủ mù mắt phải nuôi mẹ già và một chị có vấn đề về thần kinh..., còn rất nhiều trường hợp nữa mà Cói không nhớ.
Cói chỉ mong có nhiều người xem YouTube của cô biết đến Bát Xát, quê cô, biết đến Lào Cai, để cô có thể kết nối yêu thương đến các hoàn cảnh khó khăn tại địa phương, giúp người dân từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu.