Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, bệnh nhân Moong Thị B. được chuyển từ Bắc Giang lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương vào chiều 7-7. Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ đã cho bệnh nhân B. điều trị dự phòng sớm theo phác đồ, sử dụng kháng sinh để tiêu diệt và ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn bạch hầu. “Nhờ điều trị kịp thời, bệnh nhân nhanh chóng hồi phục mà không gặp phải các biến chứng nghiêm trọng. Hiện tình trạng của bệnh nhân đã ổn định và được chuyển về địa phương để tiếp tục cách ly và theo dõi", bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho biết.
Bệnh bạch hầu có thời gian ủ bệnh 2-5 ngày. Ban đầu, bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu sẽ xuất hiện các triệu chứng giống như viêm họng như: đau họng, ho, một số bệnh nhân nuốt khó, nuốt đau, sốt. Đa số bệnh nhân sau đó dần hồi phục. Một số bệnh nhân có tiến triển bệnh bạch hầu nặng và ác tính. Vì vậy, khi xuất hiện các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, tốt nhất người dân nên đến cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị kịp thời.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, biến chứng nghiêm trọng của bệnh bạch hầu là giả mạc phát triển nhanh, lan tỏa xuống đường hô hấp gây ra tình trạng bít tắc đường hô hấp hoặc những mảnh giả mạc của bạch hầu có thể rụng, khiến người bệnh hít phải gây sặc, tắc đường thở. Nguy cơ biến chứng nguy hiểm hơn đó là viêm cơ tim, vì độc tố bạch hầu gây tác dụng mạnh đối với cơ tim. Những bệnh nhân bệnh bạch hầu thể ác tính có thể dẫn đến viêm cơ tim, suy tim cấp..., và nặng hơn nữa có thể dẫn đến sốc, suy đa tạng, tử vong.
Đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh bạch hầu là bệnh có vaccine phòng bệnh trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Những năm gần đây, số ca mắc bệnh bạch hầu ở nước ta giảm nhiều lần so với trước khi bắt đầu triển khai tiêm chủng mở rộng, từ gần 3.500 trường hợp mắc năm 1983 xuống còn khoảng từ 10-50 trường hợp mắc/năm (trong vòng 15 năm, giai đoạn 2004-2019). Hiện nay, dịch bệnh bạch hầu đã được khống chế ở nước ta nhờ vaccine, chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vaccine phòng bệnh và thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp, không tiêm đủ mũi hoặc không được tiêm nhắc lại.
Thống kê trong năm 2023, cả nước ghi nhận 57 người mắc bạch hầu tập trung chủ yếu ở 3 tỉnh Hà Giang, Điện Biên và Thái Nguyên, trong đó 7 trường hợp tử vong. Còn từ đầu năm 2024 tới nay, cả nước ghi nhận 5 ca mắc bạch hầu, trong đó có 1 trường hợp tử vong ở huyện Kỳ Sơn, Nghệ An.