Mức lương hưu đối với nữ nếu nghỉ hưu trước tháng 12-2017 có tỷ lệ 15 năm đầu bằng 45%, sau đó cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cộng thêm 3%. Như thế có thể hiểu một nữ năm 2017 được 51 tuổi, đóng BHXH được 28 năm, nay vì sức khỏe suy giảm nên xin nghỉ hưu trước tuổi, tỷ lệ lương hưu được tính như sau: 15 năm đầu = 45% và 13 năm còn lại = 39%, tổng là 84%, trừ 2% của mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi (4 năm x 2 = 8%). Vậy có phải tỷ lệ lương hưu của lao động nữ đó được hưởng là… 76%? (Công ty TNHH China Shipping VN; quận 1, TPHCM)
Ông CAO VĂN SANG, Giám đốc BHXH TPHCM: Trường hợp như trên sẽ được tính tỷ lệ mức lương hưu hàng như sau: 15 năm đầu = 45%; 13 năm còn lại < 3% = 39%. Cộng 28 năm = 84%, nhưng theo quy định của Luật BHXH thì tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa chỉ được 75%. Và trừ 8% của 4 năm nghỉ trước tuổi, nên lao động nữ trên được hưởng lương hưu tối đa 67% nếu nghỉ hưu sớm.
Người dân nhận lương hưu tại Bưu điện Trung tâm thị trấn Nhà Bè (TPHCM)
Giám đốc doanh nghiệp (DN) đang hưởng mức lương nộp BHXH là 7,6 triệu đồng. Nay người này không còn giữ chức vụ giám đốc nữa, DN tiếp tục đóng BHXH cho người này với mức lương 7,6 triệu đồng có phù hợp không? Công nhân vận hành máy bơm xăng bán xăng lẻ hàng ngày tại cửa hàng bán xăng dầu, trong sổ BHXH ghi “nhân viên Công ty cổ phần Thương mại”, nên công nhân không được tính là ngành nghề độc hại. Đề nghị hướng dẫn thủ tục để được nghỉ hưu sớm, vì công nhân này sinh năm 1961, đã đủ tuổi nghỉ hưu đối với ngành nghề độc hại? (DN may Thịnh Vượng, quận 7, TPHCM)
Thông tư 17/2015 của Bộ LĐTB-XH quy định: việc xây dựng thang lương, bảng lương, phụ cấp lương và chuyển xếp lương đối với người lao động trong công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu thực hiện theo Nghị định số 49/2013.
Cụ thể, thang lương, bảng lương được xây dựng trên cơ sở đánh giá độ phức tạp công việc của lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh, lao động chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ và lao động quản lý. Như vậy, việc chuyển, xếp lương phải đảm bảo theo nguyên tắc làm công việc gì thì xếp lương theo công việc đó, giữ chức vụ gì thì xếp lương theo chức vụ hoặc phụ cấp giữ chức vụ đó.
Về nghỉ hưu với lao động làm nghề độc hại, điều kiện là khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên và nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi, có đủ 15 năm làm nghề độc hại.Về việc ghi nhận công việc trên sổ BHXH, trường hợp chức danh, công việc ghi trên sổ BHXH không đúng nghề độc hại, đề nghị DN liên hệ cơ quan BHXH điều chỉnh cho đúng.
Như vậy, sau khi điều chỉnh chức danh xong, DN mới lập thủ tục đề nghị giải quyết chế độ hưu trí cho người lao động nếu đóng BHXH đủ 20 năm trở lên và khi nghỉ hưu sớm không bị trừ tỷ lệ % lương hưu. Trong trường hợp không điều chỉnh lại chức danh độc hại thì người lao động đi giám định suy giảm khả năng lao động, nếu suy giảm từ 61% trở lên thì nộp hồ sơ giải quyết hưu. Tuy nhiên, mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi bị trừ 2% tỷ lệ lương hưu.
Theo quy định, thời gian lao động nữ nghỉ thai sản được tính là thời gian đóng BHXH, bảo hiểm y tế nhưng lại không được tính là thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Do đó, DN phải trả trợ cấp thôi việc cho lao động nữ mặc dù thời gian này không làm việc, không hưởng lương tại DN và đã được BHXH trả trợ cấp. Điều này rất khó khăn cho DN khi xem xét ký hợp đồng với nữ trong thời gian sinh con, nuôi con.
Doanh nghiệp kiến nghị: Cơ quan BHXH tính thời gian nữ nghỉ thai sản là thời gian đóng BHTN; hoặc quy định DN không phải chi trả trợ cấp thôi việc trong khoảng thời gian nữ nghỉ hưởng thai sản; hoặc quy định DN chỉ trả cho người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng BHTN trong thời gian nữ nghỉ hưởng chế độ thai sản. (Công ty TNHH Pungkook SGIII, quận 7, TPHCM)
Luật BHXH năm 2014 và các văn bản hướng dẫn dưới luật quy định trường hợp nữ nghỉ thai sản được tính là thời gian tham gia BHXH, không được tính là thời gian tham gia BHTN. Cơ quan BHXH TPHCM sẽ có văn bản kiến nghị BHXH Việt Nam, để BHXH Việt Nam kiến nghị cấp trên về việc này. Cảm ơn DN đã góp ý!