Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, nhìn chung, tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm, mặc dù vẫn còn phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực và tinh vi hơn, nhất là tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc để vụ lợi. Năm 2019, qua công tác tự kiểm tra nội bộ phát hiện 26 vụ, 30 đối tượng; qua hoạt động thanh tra đã phát hiện 69 vụ, 45 đối tượng tham nhũng và liên quan đến tham nhũng. Bên cạnh đó, qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, phát hiện được 17 vụ, 37 đối tượng; qua hoạt động kiểm toán phát hiện, chuyển cơ quan điều tra 7 vụ việc.
Còn theo báo cáo của Chánh án TAND tối cao, trong năm 2019, tòa án các cấp đã xét xử 279 vụ với 614 bị cáo phạm các tội tham nhũng. Các tòa án sơ thẩm đã tuyên phạt tù chung thân đối với 10 bị cáo, xử phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm đối với 23 bị cáo…
Thẩm tra các báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2019, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá cao việc nhiều vụ án tham nhũng lớn đã được điều tra, khám phá và được đưa ra truy tố, xét xử, đáp ứng được công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng và tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra nhận định, hiệu quả hoạt động của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu. Số vụ việc, vụ án tham nhũng do các cơ quan này phát hiện, điều tra, truy tố còn ít. Ủy ban Tư pháp nhận thấy, hiện nay hoạt động của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng không còn đúng nghĩa là “chuyên trách về chống tham nhũng” như yêu cầu đặt ra của Luật PCTN.
Theo cơ quan thẩm tra, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cần tổng kết (VKSNDTC), rà soát lại chức năng, nhiệm vụ và đánh giá hiệu quả hoạt động, tìm ra những nguyên nhân của hạn chế, vướng mắc trong hoạt động của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng để điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm phát huy được vai trò nòng cốt trong PCTN.
“Đáng lưu ý, việc để xảy ra tham nhũng ngay trong chính các cơ quan có chức năng chống tham nhũng thời gian qua cũng làm ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công tác đấu tranh PCTN, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật là vấn đề cần được Chính phủ, VKSNDTC, TAND Tối cao đánh giá đúng về thực trạng và có giải pháp khắc phục”, Chủ nhiệm Lê Thị Nga nhấn mạnh.
Đồng tình với nhận định này, ĐB Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) nhìn nhận: “Đây là vấn đề tôi thấy Ủy ban Tư pháp đã nêu trong nhiều năm, nhưng tình hình không có chuyển biến, thậm chí chuyển biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng theo từng năm”.
ĐB Hùng đề nghị các cơ quan hữu trách tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, xử lý nghiêm khắc những trường hợp cán bộ, công chức trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng, phạm tội, nhất là nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng để tạo niềm tin của người dân với các cơ quan phòng chống tham nhũng.
Nêu ra một ví dụ rất cụ thể, ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho biết, trong vụ án Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam và các đồng bọn, trong quá trình điều tra về các tội đánh bạc, tổ chức đánh bạc, rửa tiền, thì các bị cáo còn bị khởi tố về hành vi đưa hối lộ. Sau đó VKSND tỉnh Phú Thọ ra quyết định đình chỉ, miễn trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ do được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước.
“Lời khai về việc đưa hối lộ vẫn còn bỏ ngỏ và trong vụ án này đã không có bị cáo nào bị truy tố về tội nhận hối lộ. Phải chăng hành vi đưa và nhận hối lộ khó chứng minh, hay còn có nguyên nhân chủ quan nào khác? Đề nghị trong thời gian tới, cơ quan tiến hành tố tụng cần đẩy nhanh tiến độ giải quyết giai đoạn 2 của vụ án này để làm rõ hành vi đưa, nhận hối lộ”, bà Mai Thị Phương Hoa nhấn mạnh.