Có đủ công cụ để bảo đảm không đổ vỡ ngân hàng ngoài tầm kiểm soát

Sáng nay, 17-11, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng tiếp tục trả lời chất vấn của các ĐBQH.

 

Sáng 17-11, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng tiếp tục trả lời chất vấn
Sáng 17-11, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng tiếp tục trả lời chất vấn

Tình trạng nhóm cổ đông lớn thao túng ngân hàng đã được nhận diện và xử lý

Trả lời câu hỏi đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) về Nghị định 100/2015 về cho vay nhà ở xã hội, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 25 hướng dẫn thực hiện và chỉ định 4 ngân hàng cho vay. Thống đốc thừa nhận, đúng là đến nay việc cho vay chưa thực hiện được do ngân sách Nhà nước khó khăn. Đến nay mới có Ngân  hàng Chính sách xã hội được bố trí 1.200 tỷ đồng được cho vay, còn 4 ngân hàng thương mại còn lại chưa được cấp vốn. Hiện Ngân hàng Nhà nước đang chờ Bộ Kế hoạch - Đầu tư bố trí vốn nhưng trước mắt năm 2018 Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ tự huy động 500 tỷ đồng để cho vay.
Về gian lận trong thanh toán thẻ ATM, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, hành vi gian lận trong thanh toán thẻ đang gia tăng đáng lo ngại tại Việt Nam và các nước. Theo thống kê của Tổ chức Thẻ quốc tế VISA, tổng hành vi gian lận trong thanh toán thẻ là hơn 21 tỷ USD, bình quân 100 USD giao dịch thẻ thì thiệt hại 7 cent, tương đương 0,07%. Mức thiệt hại của Việt Nam chỉ bằng 1/3 mức bình quân thế giới.

Tuy nhiên, theo Thống đốc, hiện tượng này đang có chiều hướng gia tăng mà nguyên nhân là do bảo mật của ngân hàng có lỗ hổng, người dùng không bảo mật tốt thông tin cá nhân; đơn vị chấp nhận thẻ còn lỗ hổng trong bảo mật thông tin.

"Cá biệt có tổ chức chấp nhận thẻ thông đồng với kẻ xấu, thực hiện gian lận, chiếm đoạt tài sản của chủ thẻ" – Thống đốc cho biết. Vì thế Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, quy định pháp lý từ an ninh an toàn, chuyển hệ thống từ thẻ từ sang thẻ chip để bảo mật hệ thống cao hơn; tăng cường kiểm tra, giám sát hệ thống thẻ...

Các ĐBQH theo dõi phần trả lời chất vấn của Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng sáng 17-11
Trả lời ĐB Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) về việc bảo vệ khách hàng vay ở các công ty tài chính tiêu dùng, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết lãi suất vay của các công ty này cao hơn ngân hàng, vì kỳ hạn ngắn, giá trị cho vay nhỏ, chi phí vốn của các công ty này cũng cao hơn. Thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã có quy định cụ thể riêng cho đối tượng này nhằm tăng cường tính minh bạch, công bố công khai lãi suất, thời gian tính lãi.

Trả lời về việc nâng mức vay và kéo dài thời hạn cho vay với sinh viên, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết đã có 3,5 triệu lượt sinh viên được vay, với tổng dư nợ khoảng 15.000 tỷ đồng. Mức cho vay đã có 7 lần điều chỉnh, hiện nay là 1,5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, mức này chưa đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, học tập. Thống đốc thừa nhận điều này, nhưng cũng cho biết trong bối cảnh khó khăn hiện chưa điều chỉnh ngay được, sắp tới sẽ xem xét điều chỉnh. Đối với thời hạn trả nợ, học sinh sinh viên được ân hạn 1 năm kể từ khi ra trường, và nếu có khó khăn khách quan có thể được gia hạn tối đa bằng ½ thời gian vay nợ.

Về câu hỏi của ĐB Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) liên quan đến điều hành tỷ giá, Thống đốc Lê Minh Hưng chia sẻ: "Điều hành tỷ giá vừa phải kiểm soát được lạm phát, tính toán nghĩa vụ trả nợ nước ngoài Chính phủ, tác động với giá hàng nhập khẩu. Việt Nam vừa xuất khẩu, nhập khẩu và có tâm lý kỳ vọng".
Theo Thống đốc, vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng tỷ giá trung tâm, điều hành linh hoạt và trong diễn biến tỷ giá được dựa vào cung cầu thị trường, điều hành vĩ mô từng thời kỳ. Việc áp dụng tỷ giá trung tâm từ đầu 2016 diễn biến thị trường tích cực.
Đồng thời, giải pháp này cũng giúp Ngân hàng Nhà nước thành công trong neo giữ tâm lý kỳ vọng tỷ giá. Năm 2016 Ngân hàng Nhà nước mua vào hơn 9 tỷ USD và từ đầu năm 2017 đến nay đã mua thêm được 7 tỷ USD, nâng dự trữ ngoại hối lên hơn 46 tỷ USD. Nhờ tỷ giá ổn định nên góp phần hỗ trợ xuất khẩu tăng manh, xuất siêu 2,8 tỷ USD.
"Chúng tôi nhận thức trong điều hành phải chủ động, linh hoạt để ứng phó trước những diễn biến khó lường của thị trường quốc tế. Với quy mô dự trữ ngoại hối, chính sách điều hành hiện nay hoàn toàn có thể giữ ổn định tỷ giá", Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh.
Trả lời về vấn đề sở hữu chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết sau khi đẩy nhanh tiến độ xử lý vi phạm sở hữu chéo, yêu cầu các cổ đông vi phạm chuyển nhượng, thoái vốn, sáp nhập, hợp nhất mua lại cổ phần, cơ bản tình trạng này đã được giải quyết, các ngân hàng minh bạch và đại chúng hơn.
Người đứng đầu ngành ngân hàng khẳng định tình trạng nhóm cổ đông lớn thao túng đã được nhận diện và xử lý. Cụ thể, đến nay không còn cá nhân nào sở hữu trên 5% vốn. Số cặp ngân hàng sở hữu chéo trực tiếp nhau giảm từ 7 (năm 2012) xuống còn 2. Số cặp ngân hàng sở hữu cổ phần trực tiếp giảm từ 5 xuống 2.
 
Mặc dù vậy, Thống đốc Lê Minh Hưng thừa nhận sở hữu chéo là vấn đề khá phức tạp, khó phát hiện, kiểm soát với trường hợp cố tình, nhờ người đứng tên hộ, đòi hỏi thanh tra kỹ lưỡng hoặc cơ quan chức năng qua điều tra mới phát hiện được.
Về giải pháp xử lý, Thống đốc cho rằng nếu dự thảo sửa đổi Luật các TCTD được Quốc hội thông qua sẽ giải quyết triệt để các tình trạng hiện nay. Trong dự thảo, Ngân hàng Nhà nước đã sửa đổi một số quy định về khái niệm người có liên quan để xác định được cổ đông hưởng lợi cuối cùng. Ngoài ra, sửa đổi tiêu chuẩn, điều kiện với chức danh chủ tịch HĐQT, theo hướng chặt chẽ hơn, đưa vào quy định góp vốn mua cổ phần các tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường thanh tra để giám sát cổ đông và người có liên quan. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm những vi phạm về sở hữu cổ phần cổ phiếu. Chỉ đạo các ngân hàng phải xây dựng đề án cơ cấu lại, trong đó có lộ trình khắc phục triệt để vi phạm cổ phần của cổ đông.

Có đủ công cụ để bảo đảm không đổ vỡ ngân hàng ngoài tầm kiểm soát

Chất vấn Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đề cập tới kết luận của Thanh tra Chính phủ cuối tháng 8 về năng lực thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước, trong đó có nội dung Ngân hàng Nhà nước chậm ban hành quyết định đưa tổ chức tín dụng vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. "Báo cáo có đề nghị Thống đốc cho kiểm tra và xử lý trách nhiệm của cá nhân có liên quan. Từ tháng 8 đã xử lý như thế nào?", ĐB Trương Trọng Nghĩa hỏi.

Có đủ công cụ để bảo đảm không đổ vỡ ngân hàng ngoài tầm kiểm soát ảnh 2 ĐB Trương Trọng Nghĩa chất vấn Thống đốc Lê Minh Hưng sáng 17-11
Trả lời ĐB Trương Trọng Nghĩa, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, hiện Ngân hàng Nhà nước đang tiến hành thực hiện kiểm điểm làm rõ trách nhiệm cá nhân liên quan tại thanh tra giám sát. "Chúng tôi sẽ báo cáo hướng xử lý trong thời gian tới" - Thống đốc nêu rõ. Về sửa đổi Luật các TCTD trong đó có quy định về miễn trừ trách nhiệm cán bộ tham gia tái cơ cấu ngân hàng, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định: "Chúng tôi không đề nghị miễn trừ trách nhiệm với cá nhân có vi phạm, chỉ yêu cầu tạo điều kiện cho các cán bộ có năng lực được cử sang cơ cấu lại ngân hàng yếu kém để họ yên tâm công tác. Đây cũng là thông lệ của các nước".
Một đại biểu khác của TPHCM là bà Tô Thị Bích Châu cũng tham gia chất vấn Thống đốc Lê Minh Hưng. ĐB Bích Châu hỏi: "Chính sách cho phép phá sản ngân hàng là biện pháp đúng trong nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, mức chi trả bảo hiểm tiền gửi tối đa 75 triệu đồng gây nhiều băn khoăn. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để khách hàng biết được mức độ rủi ro của từng ngân hàng khi đem tiền đi gửi? Phải chăng cứ đem tiền gửi vào các "ông lớn" thì sẽ yên tâm?". Trả lời câu hỏi này, Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh, trong bất cứ trường hợp nào thì các phương án xử lý các tổ chức tín dụng đều phải đảm bảo mục tiêu đầu tiên là an toàn hệ thống, củng cố lòng tin của người dân vào hệ thống ngân hàng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, không để xảy ra tình trạng đổ vỡ, mất kiểm soát. 
"Chúng tôi đã kiến nghị ở dự thảo sửa đổi Luật các TCTD trình Quốc hội là trong tình huống đặc biệt cũng đều phải đảm bảo mục tiêu là đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, người gửi tiền và đảm bảo an toàn hệ thống. Thời gian tới, cùng với tăng cường cơ cấu lại và thanh tra, giám sát các ngân hàng thì chất lượng hoạt động của hệ thống sẽ đảm bảo mục tiêu an toàn và ổn định hơn" - Thống đốc Lê Minh Hưng phát biểu trước Quốc hội.
"Chúng tôi có đủ các công cụ khác nhau để đánh giá thực trạng, kiểm soát tình hình để đảm bảo không có những đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát. Chúng tôi yêu cầu các TCDT phải công khai, minh bạch hoạt động của mình thông qua việc niêm yết trên thị trường vốn, thị trường chứng khoán, hàng năm công bố báo cáo kiểm toán. Đây là các thông tin phục vụ cho hoạt động của ngân hàng cũng như nhu cầu của nhà đầu tư, người gửi tiền" - Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết.
Có đủ công cụ để bảo đảm không đổ vỡ ngân hàng ngoài tầm kiểm soát ảnh 3 ĐB Tô Thị Bích Châu lo ngại mức bảo hiểm tiền gửi 75 triệu đồng là quá thấp
Trả lời câu hỏi về nợ xấu của ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình), Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết tỷ lệ nợ xấu đến tháng 9-2017 là 2,34%. Nhưng nếu đánh giá thận trọng và tính cả nợ xấu tiềm ẩn thì là khoảng hơn 550.000 tỷ đồng, nâng tỷ lệ lên 8,61%, nhưng có giảm so với con số hơn 10% cuối năm 2016.

Trả lời câu hỏi về xếp hạng tín nhiệm các tổ chức tín dụng của ĐB Bùi Thị Hiền Mai (Hà Nội), Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết việc công bố công khai chỉ số tín nhiệm này chỉ áp dụng trong phạm vi các TCTD. Theo thông lệ các nước, việc xếp hạng này chỉ nhằm mục đích quản lý nhà nước, căn cứ để Ngân hàng Nhà nước đánh giá mức độ an toàn, rủi ro, cảnh báo sớm.

ĐB Phạm Đình Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) nêu lên một vấn đề mới: Việc người Việt Nam chi 3 tỷ USD mua nhà ở Mỹ, số liệu này có phải là ngoại tệ chảy ra nước ngoài hay không? Trả lời đại biểu, Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng không có cơ sở nào cho thấy đây là con số chuyển tiền mua nhà ở Mỹ. Theo Thống đốc, người Việt Nam định cư ở Mỹ nhưng chưa có quốc tịch Mỹ thì được tính là người Việt Nam. Theo thống kê, hiện có 43 dự án bất động sản đầu tư ra nước ngoài, trong đó 17 dự án đầu tư vào Mỹ, chiếm 1/3 vốn đầu tư ra nước ngoài. Thống đốc cho biết Ngân hàng Nhà nước đã có cơ chế kiểm soát đầy đủ chuyển tiền ra nước ngoài, xử phạt hành chính trong chính sách vi phạm chuyển tiền ra nước ngoài... 

Trước lo ngại của ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) về tín dụng sẽ "chảy" nhiều vào thị trường bất động sản, có khả năng gây bong bóng thị trường này, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, hiện tín dụng cho vay bất động sản đạt trên 400.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 6,5% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế. "Tốc độ tăng tín dụng thấp hơn so với năm ngoái và các loại tín dụng toàn hệ thống" - Thống đốc cho biết và nhắc lại loạt công cụ chính sách mà Ngân hàng Nhà nước áp dụng để kiểm soát cho vay lĩnh vực này, như nâng hệ số rủi ro, điều chỉnh tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn và chỉ cho vay phân khúc nhà ở xã hội, trung bình, thu nhập thấp...

Kết thúc phiên chất vấn Thống đốc Lê Minh Hưng sáng nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá phiên chất vấn đã diễn ra sôi nổi, chất lượng. Mặc dù lần đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội, nhưng Thống đốc Lê Minh Hưng đã nắm chắc được tình hình, trả lời thẳng và làm rõ các vấn đề ĐBQH chất vấn. “Phần trả lời chất vấn của Thống đốc nhận được sự hài lòng của ĐBQH và được cử tri đánh giá cao” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

Tin cùng chuyên mục