Bảo tàng Lịch sử TPHCM, một trong những bảo tàng có lịch sử hình thành lâu đời ở Việt Nam, được xây dựng từ năm 1927 và đi vào hoạt động năm 1929 với tên gọi ban đầu là Musée Blanchard de la Brosse. Đây là nơi lưu giữ và trưng bày cổ vật thuộc các nền văn hóa phương Đông. Tâm ý của những người sáng lập và tôn chỉ hoạt động đã được thể hiện rõ qua cặp câu đối trước cửa viện bảo tàng: “Á Đông cổ đổng mỹ thuật kê thực học/ Việt Nam nhân chủng bác vật đắc kỳ quan”.
Để ghi dấu chặng đường 95 năm hình thành và phát triển, 45 năm mang tên “Bảo tàng Lịch sử TPHCM”, Bảo tàng Lịch sử TPHCM tổ chức trưng bày chuyên đề “Cổ đổng kỳ quan - Nơi hội tụ các nền văn hóa”. Tên gọi của chuyên đề được trích từ cặp câu đối trên với ý nghĩa “Kỳ quan từ cổ vật”. Chuyên đề này sẽ giới thiệu đến công chúng hơn 150 hiện vật tiêu biểu, được sắp xếp theo 4 chủ đề:
Nghệ thuật Ấn Độ ở Đông Nam Á: Điểm nhấn của chủ đề là các loại tượng thờ, phù điêu trang trí mang ảnh hưởng của hai tôn giáo lớn là Hindu giáo và Phật giáo. Các hiện vật này thể hiện nét mỹ thuật trên chất liệu đá và kim loại, thuộc văn hóa Chăm Pa, văn hóa Óc Eo và một số nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Thái Lan. Bên cạnh đó, nhóm chủ đề còn có một số hiện vật khác: đồ tế lễ bằng đồng, trang sức bằng vàng, bộ tranh khắc gỗ miêu tả sử thi Ramayana trong văn hóa Ấn Độ.
Mỹ thuật Trung Quốc: Giới thiệu mỹ thuật trên gốm qua các hiện vật thuộc dòng gốm men ngọc và gốm men xanh trắng; mỹ thuật trên chất liệu ngà qua các bức tượng thần tiên, ấn triện, thẻ ngà, ống cắm bút, trấn phong… được tạo hình và chạm khắc tinh xảo.
Mỹ thuật Việt Nam: Đi sâu giới thiệu về mỹ thuật trên đồ đồng với hai nhóm hiện vật chính: nhóm cổ khí được làm dưới triều vua Minh Mạng, với các loại đồ thờ cúng có khắc bài minh bằng chữ Hán; nhóm hiện vật đồng tam khí với các bức tượng Phật, đồ thờ cúng và đồ gia dụng mang nét đặc trưng của nghệ thuật đúc đồng Việt Nam. Ngoài ra, còn có các đồ gốm kích thước lớn - vốn được sử dụng trong cung đình triều Nguyễn trước đây.
Mỹ thuật Nhật Bản: Điểm nhấn của chủ đề này chính là nhóm hiện vật thuộc dòng gốm mỹ thuật Satsuma vang danh vào thế kỷ 17. Ngoài ra còn có khám thờ Butsudan, tượng Phật bằng gỗ thếp vàng; một số vật trang trí bằng ngà với tạo hình độc đáo, ấn tượng.
Trong số những hiện vật trưng bày, có nhiều hiện vật đã từng xuất hiện trong các bưu ảnh xưa về bảo tàng. Bên cạnh đó, một số bộ sưu tập quý hiếm cũng lần đầu được ra mắt công chúng, gợi nhớ ký ức về một bảo tàng đầu tiên của vùng đất Sài Gòn - TPHCM, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Chuyên đề “Cổ đổng kỳ quan - Nơi hội tụ các nền văn hóa” sẽ diễn ra từ ngày 26-8 đến hết ngày 31-10 tại Bảo tàng Lịch sử TPHCM (số 2 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM).