Cùng với mục đích rà soát, chỉ rõ những cản ngại đối với môi trường kinh doanh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây cũng đề xuất 106 điều khoản của 93 văn bản cần bổ sung, sửa đổi, thay thế, trong đó có 32 luật, 51 nghị định, 10 thông tư trên tổng số hơn 400 văn bản được rà soát.
Chắc chắn, số lượng những văn bản “lỗi” này còn nhiều hơn con số trên, bởi Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì nhóm rà soát quy định pháp luật về phê duyệt, triển khai, tổ chức thực hiện, chấm dứt dự án đầu tư (bao gồm cả đầu tư công). VCCI chủ trì nhóm rà soát quy định pháp luật về điều kiện gia nhập thị trường, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã. Bên cạnh đó, còn 9 nhóm rà soát độc lập, chuyên sâu khác đang làm việc. Theo đó, Bộ Tài chính chủ trì rà soát quy định pháp luật về tài chính, thuế; quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì rà soát quy định pháp luật về đất đai, tài nguyên, xây dựng, kinh doanh bất động sản…
Cả 12 nhóm này sẽ phải hoàn tất báo cáo cuối cùng, gửi đến Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30-6 tới đây.
Theo Quyết định 209/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (về thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ), người đứng đầu Chính phủ đã nêu rõ, trong công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luât, các bộ, ngành sẽ không chỉ chịu sự kiểm tra, giám sát của Chính phủ, mà còn chịu sự giám sát của cộng đồng xã hội, đặc biệt là của doanh nghiệp, nhà đầu tư.