Tấm biển Nhà máy nước Vân Canh với công suất 1.400 m3/ngày nhưng gần chục năm qua bỏ hoang
Công trình được khởi công từ năm 2012 do Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư theo nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh nông thôn, vốn Trung ương hỗ trợ theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ và vốn ngân sách tỉnh
Theo người dân địa phương, công trình đi vào hoạt động cầm chừng đến năm 2015 thì ngừng hẳn và bỏ hoang đến nay
Trong khuôn viên nhà máy nước này có 3 khu nhà, 1 bể chứa nước, bể xử lý nước đều bỏ hoang. Tại khu nhà điều hành chính đang có 1 số công nhân xin vào ở để làm việc ở thị trấn Vân Canh
Cỏ dại, cây bụi bủa vây các thiết bị, hệ thống dẫn nước
Ban đầu, công suất thiết kế 1.400m3/ngày dự kiến sẽ cấp nước sinh hoạt cho 12.000 dân ở các xã Canh Thuận, Canh Hiệp, Canh Hiển và thị trấn Vân Canh...
Theo một lãnh đạo thị trấn Vân Canh, trước đây khi đi vào hoạt động để có nước thì nhà máy phải bơm từ suối Phướn (thị trấn Vân Canh) lên để xử lý thì mới cấp được cho dân. Nhưng chi phí bơm hoạt động rất tốn kém nên nhà máy hoạt động không được lâu thì dừng hẳn
Còn theo UBND huyện Vân Canh, trước đây, khi đưa vào khai thác, các đơn vị chức năng tỉnh tính toán giá nước sinh hoạt 4.500 đồng/m3. Tuy nhiên, người dân địa phương thì đa số người miền núi, dân tộc thiểu số nên mức giá đó người dân không đồng tình. Trước đó, địa bàn huyện Vân Canh có doanh nghiệp cung cấp nước tự chảy với giá từ 500 - 750 đồng/m3 mà người dân cũng không mặn mà
Hệ thống máy móc, công nghệ bỏ hoang nên phủ bụi
Trao đổi với PV Báo SGGP, một lãnh đạo Sở NN-PTNT cho biết, trước đây khi đầu tư công trình thì giao về cho huyện Vân Canh để quản lý, khai thác. Vì vậy, việc nhà máy bỏ hoang lâu năm thì phía huyện cần có thông tin cụ thể, kiến nghị đề xuất để tìm giải pháp khắc phục hoặc bàn giao về sở để tính toán lại
Máy móc thiết bị, đường ống vùi trong cỏ dại hoen gỉ vì không được bảo quản, bảo vệ
Đường ống gỉ sét, hư hại nằm chất đống trong khuôn viên nhà máy nước Vân Canh
Đường ống bị gỉ sét hư hại theo thời gian
Trong khi đó, ông Phan Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh cho biết, toàn huyện hiện vẫn chưa có hệ thống nước sạch sinh hoạt phục vụ người dân. Kể cả các trụ sở làm việc, doanh nghiệp chủ yếu dùng nước giếng khoan, nước dẫn từ suối tự chảy về. "Đối với nhà máy nước sạch Vân Canh, do chi phí hoạt động không đủ vì tiền thu lại không bằng 1 nửa tiền điện. Tới đây, chúng tôi sẽ cho tháo dở nhà máy này...", ông Cường cho hay
Trong khi nhà máy nước sạch Vân Canh bỏ hoang thì cách đó hơn 2km phía thượng nguồn suối Phướn có 1 nhà máy nước khác đang hoạt động lấy nước tự chảy ở suối phục vụ người dân
Phản ánh đến PV Báo SGGP, nhiều người dân ở thị trấn Vân Canh cho biết, mùa nắng thì họ bị thiếu nước sinh hoạt, còn mùa mưa lớn thì có khi cả nửa tháng không có nước tự chảy do nước suối bị đục