“Cò” bủa vây
Trong vai một khách du lịch thuê xe máy tham quan Đà Lạt, đang chạy trên đường Phù Đổng Thiên Vương (phường 8), bất ngờ một người phụ nữ khoảng 40 tuổi giới thiệu tên Lẹ, nhân viên lò mứt B.N. bám theo tôi quảng cáo: “Cửa hàng chị mới khai trương được ít ngày, mời các em vào tham quan, chụp ảnh để lấy lộc, không nhất thiết phải mua. Nếu muốn mua dâu tây thì sẽ được tự hái với giá 50.000 đồng/kg tại vườn”. Tuy nhiên, chúng tôi biết cửa hàng đặc sản B.N. đã hình thành từ nhiều năm trước và thời điểm hiện tại, giá dâu tây ở các nhà vườn thấp nhất cũng phải trên 100.000 đồng/kg.
Thoát khỏi sự đeo bám người phụ nữ này, chúng tôi tiếp tục gặp một “cò” khác chạy xe áp sát, dúi vào tay 2 tấm danh thiếp ghi tên, địa chỉ, các dịch vụ, mặt hàng tại cửa hàng kinh doanh mứt các loại, khô nai, nước cốt dâu tây, uống trà atiso miễn phí, tham quan vườn dâu miễn phí và đặc biệt có thể mua dâu tại vườn với giá chỉ 20.000 đồng/kg.
Hầu hết các cò đặc sản đều sử dụng cùng một chiêu thức là tiếp cận khách du lịch, giới thiệu tham quan vườn dâu miễn phí, nếu muốn tự hái và mua dâu tại vườn sẽ được ưu đãi với giá chỉ từ 20.000 - 50.000 đồng/kg. Tuy nhiên tại đây, du khách sẽ phải mua một đặc sản bất kỳ trong cửa hàng (từ 40.000 - 150.000 đồng/sản phẩm, cao hơn nhiều so với khu vực khác) để được tới vườn dâu. “Khách mới lên Đà Lạt có tâm lý thích tới vườn dâu tây để được thấy tận mắt, nhưng khách lại không nắm rõ khu vực nào trồng dâu tây. Điều đó khiến du khách dễ dàng sập bẫy”, một nông dân trồng dâu tây trên đường Thánh Mẫu (phường 8) cho biết.
Tại Đà Lạt có hàng chục cơ sở kinh doanh đặc sản thường xuyên sử dụng “cò”, ít thì “nuôi” 1 - 2 cò, nhiều có đến 6 - 7 nhân viên. “Cò” đặc sản có mặt đông nhất tại các tuyến đường Phù Đổng Thiên Vương, Mai Anh Đào, Nguyên Tử Lực, cổng Vườn hoa TP Đà Lạt, Dinh Bảo Đại. Tại những nơi này luôn có khoảng 40 - 50 người hoạt động liên tục, phân chia theo từng cụm để tiếp cận khách du lịch. Còn những “cò” chạy xe máy ngoài đường là “cò lẻ”, chuyên đi “tìm mồi” là các ô tô du lịch cỡ nhỏ, khách du lịch đi bằng xe máy. Có thế lực nhất là các cơ sở thuộc sở hữu của hai “ông trùm” đặc sản T.T. và Đ.E. Tài xế tên X. (thường xuyên đưa khách du lịch lên tham quan Đà Lạt) cho biết, nếu như ông trùm T.T. thường xuyên bố trí người tại cửa ngõ phía Nam Đà Lạt như trạm thu phí Định An (quốc lộ 20) hoặc chân đèo Prenn để đón khách từ hướng sân bay Liên Khương, thì trùm Đ.E. sẽ phong tỏa khách từ hướng Nha Trang lên Đà Lạt. Tất cả ô tô qua các cửa ngõ vào Đà Lạt đều bị “cò” trong hệ thống theo dõi sát suốt thời gian lưu trú tại đây.
Nỗi ám ảnh của hướng dẫn viên
Để tìm hiểu kỹ hơn phương thức hoạt động của “cò”, chúng tôi được ghép chung với đoàn khách đi ô tô mang biển số của Đà Nẵng đến du lịch Đà Lạt. Xe vừa đổ khách xuống Khu du lịch Dinh Bảo Đại (Dinh 3), ngay lập tức một nam thanh niên khoảng 30 tuổi đi xe máy tới gõ vào cửa của tài xế, hỏi: “Vào khi nào? Đưa số điện thoại hướng dẫn viên (HDV) đây, không thì đừng hòng rời Đà Lạt”. Chỉ ít phút sau, phía trong khu du lịch điện thoại của Quân (HDV du lịch đoàn) liên tục rung chuông bởi các số điện thoại lạ. Vừa nghe máy, Quân được nam thanh niên dụ dỗ đưa khách tới cửa hàng đặc sản “tham quan” với mức hoa hồng cao. Khi Quân trả lời khách không có nhu cầu thì bị đe dọa sẽ “xử đẹp” nếu không dẫn khách đến. Anh Quân cho biết, lần nào cũng thế, nếu không dẫn khách vào tham quan, kiểu gì cũng có chuyện, nhẹ thì bị chặn đường chửi bới dằn mặt, nặng thì “lãnh đòn” ngay trước mặt của khách. Có lần cửa kính ô tô bị ném vỡ trước sự hoảng sợ của du khách.
Anh Trần Trung Hiếu (HDV tại Hà Nội), đến giờ vẫn ám ảnh bởi lần bị “cò” mứt tấn công ngay tại khách sạn ở Đà Lạt vì không biết “luật”. Anh Hiếu cho biết, lần đầu đưa khách lên Đà Lạt tham quan, khi xe chuẩn bị ra khỏi khách sạn, một người tới đề nghị lên xe chỉ để hướng dẫn du khách các loại đặc sản của địa phương. Lấy lý do là trong đoàn đã có HDV, không cần người giới thiệu, cả đoàn ghé chợ Đà Lạt mua đặc sản. Đến tối, khi đang đứng tại sân khách sạn, anh Hiếu bất ngờ bị 3 đối tượng lạ lao vào hành hung, chuyến tham quan Đà Lạt vì thế cũng bị gián đoạn. “Chân rết của họ theo dõi mình suốt thời gian ở Đà Lạt. Đi đâu, làm gì, mua đồ cửa hàng nào họ đều nắm được hết”, anh Hiếu kể.
Còn theo chị T. (HDV ngay tại Đà Lạt), có khi phải một tuần sau khách mới tới Đà Lạt nhưng “trùm cò” đã gọi điện cho HDV để dặn dò, dụ dỗ và đe dọa. “Cò” nắm được khách đi ngày nào, bay chuyến mấy giờ, xe mang biển kiểm soát nào, tên, số điện thoại của tài xế và HDV của đoàn nên dù thế nào cũng không thể thoát khỏi tầm kiểm soát của chúng. Hỏi tại sao những thông tin đó “cò” lại dễ dàng có, chị T. cho biết: “Họ đã thiết lập cả hệ thống từ trên xuống dưới nên mọi hành động của HDV đều nằm trong tầm kiểm soát của họ. Đã từng có nhiều HDV bị đánh vì vi phạm quy tắc ngầm do “cò” đưa ra”. Tuy nhiên, theo T. không phải lò mứt nào ở những khu vực trên cũng là lừa đảo, bán giá cao, bán hàng kém chất lượng. Có những lò không “nuôi cò”, HDV du lịch sẽ ghé vì vườn dâu đẹp, bán hàng tốt, giá rẻ. “Nếu mình đi tour mà gặp “cò”, mình sẽ hỏi thẳng khách có thích ghé hay không? Nếu khách không thích mình bỏ điểm này luôn. Nếu ghé, mình sẽ dặn khách tham quan, không mua đồ, muốn mua quà Đà Lạt, mình sẽ liên hệ nơi tốt hơn vào thời điểm khác trong chuyến hành trình”, chị T. tâm sự.
Khó xử lý?
Trước tình trạng “cò” du lịch đe dọa lái xe, HDV du lịch và du khách, bắt phải mua sắm, sử dụng dịch vụ tại một số địa chỉ trên địa bàn, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội, an toàn du khách, làm suy giảm hình ảnh, uy tín thương hiệu du lịch Đà Lạt, UBND tỉnh Lâm Đồng đã nhiều lần chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc xử lý.
Tham quan vườn dâu là loại hình thu hút khách du lịch khi tới Đà Lạt
Vừa qua, Công an phường 8 (TP Đà Lạt) đã tiến hành xử phạt hành chính đối với chủ cơ sở kinh doanh đặc sản Băng Như (đường Phù Đổng Thiên Vương, phường 8) do đánh du khách ngất xỉu. Trước đó, chị Trần Ngọc Bích (đến từ Đồng Nai) được một “cò” mứt chào mời mua đặc sản rồi sẽ được tham quan, mua dâu tây với giá 20.000đ/kg. Tuy nhiên, tại vườn dâu tự hái có giá từ 150.000 - 180.000 đồng/kg. Biết bị “cò” lừa, chị Bích đề nghị trả lại món hàng vừa mua nhưng không được đồng ý, lời qua tiếng lại, chị Bích bị chủ cơ sở mứt và nhân viên đánh ngất xỉu.
Theo Công an TP Đà Lạt, hàng năm đơn vị đều tổ chức các đợt vận động, tuyên truyền tới các cơ sở buôn bán, kinh doanh mặt hàng đặc sản Đà Lạt không sử dụng lực lượng môi giới, “cò”, nhưng chưa có chế tài xử lý đủ mạnh để dẹp tình trạng này. Chỉ tính từ năm 2016 đến nay, Công an TP Đà Lạt đã xử phạt trên 70 triệu đồng đối với 26 cơ sở và 39 đối tượng “cò” đặc sản. Tuy nhiên, lý do xử phạt là “không ký hợp đồng lao động, không khám sức khỏe với người được thuê”.
Một tổ công an chuyên trách kiểm tra, xử lý các hành vi gian lận thương mại liên quan tới “cò” đặc sản cũng đã được thành lập. Tính riêng từ ngày 25-5 đến nay, tổ chuyên trách đã tạm giữ 15 xe máy của các đối tượng “cò” do vi phạm trong quá trình sử dụng phương tiện khi tham gia giao thông. “Tâm lý du khách khi bị lừa thường giữ im lặng, không muốn bị làm phiền trong chuyến du lịch nên cũng khó xử lý hành vi của “cò”. Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo du khách khi tới Đà Lạt nên lựa chọn địa điểm mua sắm có uy tín, tránh nghe theo những lời quảng cáo của các đối tượng “cò” đặc sản”, trung tá Nguyễn Quang Vinh cho biết.
Trung tá Nguyễn Quang Vinh, Đội trưởng Đội cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an TP Đà Lạt cho biết, “cò” được hưởng hoa hồng rất lớn, tới 35% trên mỗi hóa đơn mua hàng nên các đối tượng này hoạt động rất mạnh, thường xuyên tranh giành khách, gây mất an ninh trật tự. Vì chia phần trăm lớn cho các “cò” nên giá của các mặt hàng đặc sản tại các lò mứt (có sử dụng “cò”) thường rất cao so với những nơi khác.