Mấy hôm trước, trong xóm cũng có cái đám cưới. Cổng cưới toàn bong bóng, gia chủ phải nhắc canh chừng mấy đứa nhỏ không đâm thọt bậy bạ, nhỡ xì hết cả bóng thì hổng biết lấy gì để rước dâu vô coi cho đẹp. Đám cưới trên thành phố nó khác vậy đó…
Xi măng bê tông không, lấy chỗ dựng cổng cưới hoa giả hay bong bóng là chật ních, hết cả chỗ ra vào. Bên trong là cái bàn, dăm cái ghế, ít trái cây bánh kẹo và quan trọng nhất là bàn thờ gia tiên phải có để đến đón dâu hay rước dâu vô nhà, đặng sắp lễ lạt. Mà giờ, đám cưới chắc có mỗi cô dâu chú rể vui, chứ hàng xóm láng giềng ít ai quan tâm nữa.
Minh họa: D.KHANH
Ngày xưa, đám cưới của xóm nào là ngày hội của xóm đó. Mấy bà mấy cô, quạt quạt cái nón lá ra ngắm coi độ gia chủ chuẩn bị tới đâu, rồi cô dâu chú rể mới mặt mũi coi sao. Đám nhỏ trong xóm thì khỏi nói, chạy theo đám rước hò reo tưng bừng. Đến giờ đãi tiệc thì đúng là ngày hội, hát hò khí thế. Còn giờ, lễ lạt xong, cô dâu chú rể hai họ nghỉ khỏe, chờ đến chiều ra phòng cưới, đãi tiệc nữa là xong.
Hồi trước, ngay vùng ven này thôi, đám cưới cũng vui thiệt. Trước ngày làm lễ mấy ngày là thanh niên trai tráng trong nhà được huy động vô dọn dẹp bày biện nhà cửa. Chỉ có mỗi vụ sắp bàn thờ gia tiên là dành riêng cho các bà các cô lớn tuổi. Còn đám thanh niên thì dựng rạp cưới, khiêng bàn ghế.
Đám trẻ đi tìm lá dừa, dừa nước, tre, lá đủng đỉnh, hoa cau về. Cổng cưới sao cho đẹp là người lớn nhúng vô. Cách đan lá dừa làm cổng cưới kiểu đậm chất làng quê dân dã không quá phức tạp, đơn giản như tụi nhỏ thắt lá dừa làm con châu chấu, con bọ ngựa đồ chơi vậy.
Tùy từng điều kiện kinh tế gia đình mà người ta làm cổng cưới lá dừa đơn giản hay hoành tráng. Chỉ có một điều không hề thay đổi bao đời nay, cổng cưới là điều gây ấn tượng đầu tiên khi đến tham gia đám cưới nào đó và cổng cưới lá dừa luôn cho người ta cảm giác bình dị, gần gũi, cảm nhận được sự chân thật trong tình cảm của người dân miền Nam.
Còn mâm trái cây được các bà các cô đơm hoa kết trái đủ kiểu, nhưng vẫn phải đảm bảo có hoa trái Nam bộ, tên trái cây cũng phải coi cho được như mãng cầu, đu đủ, thanh long… để mong hạnh phúc về hậu vận cho đôi trẻ. Chứ cưới xin mà bày măng cụt với sầu riêng thì chắc dẹp tiệm sớm!
Giờ ở thành phố, làm gì có cái gọi là nhóm họ nữa. Hồi xưa, tối trước ngày đám cưới, nhà gái tổ chức nhóm họ, cũng bày bàn ăn mấy món mặn nhẹ nhẹ, chủ yếu cho họ hàng bà con tới chung vui, dặn dò, tặng quà cô dâu trước khi về nhà chồng.
Đám nhóm họ tập trung từ sẩm tối, không chỉ ăn mà còn uống sơ sơ có vài xị rượu mà ông ba vợ với mấy ông chú, ông cậu cũng ngồi đến nửa đêm. Giờ ở thành thị, chỗ đâu mà nhóm họ.
Các bà mẹ, bà dì cô dâu chắc cũng chẳng mấy ai lo chuyện dặn dò con mình tỉ mẩn trước ngày cưới nữa. Thời đại tiên tiến, người trẻ lấy nhau là chuyện người trẻ, lớn cả rồi và phải tự vun vén cuộc sống gia đình sao cho khéo.
Mới hôm rồi, đọc báo thấy có đám cưới ở một tỉnh tại Bắc Trung bộ, dựng rạp hết 10 ngày với thiết kế và chi phí đến hàng trăm triệu đồng; thuê MC, ca sĩ và mâm cỗ tốn hàng tỷ đồng; trao sổ đỏ biệt thự, ô tô xịn và quá trời vàng cho cô dâu chú rể...
Đám cưới khiến nhiều người choáng ngợp vì độ hoành tráng, độ khoe mẽ ở một huyện lỵ nhỏ. Mới hay, đám cưới giờ ai mà chả tính toán, sợ lỗ sặc gạch, sợ mất mặt, sợ không “bằng chị, bằng em” nhỡ người ta khinh thì khổ. Đám cưới - chuyện của đám nhỏ - thành chuyện của người lớn. Tổ chức sao cho kêu, đi phong bì sao cho coi được. Độ nặng - nhẹ của phong bì trong đám cưới quyết định nhiều thứ trong cuộc đời.
Còn đám cưới đẹp thì cũng mới thấy hôm nọ thôi. Đám cưới của 20 cặp công nhân lao động, được hỗ trợ tổ chức gọn ghẽ, ấm áp. Đám cưới tập thể, có mỗi diện áo cưới, trao nhẫn, nhận lời chúc phúc, mà sao thấy nét mặt cô dâu chú rể chi mà rạng ngời.
Ngồi uống cà phê nói chuyện đám cưới mới chợt nhớ nhà còn 2 cái thiệp hồng mời dự cưới con cái của bạn bè. Vô mùa cưới tới nơi rồi. Thôi thì ráng ráng đi dự, để mai mốt con mình cưới, người ta cũng tới dự, có qua mới có lại. Phong bì nặng - nhẹ chưa rõ, nhưng nhất định phải đãi tiệc nhà hàng. Có cưới, có “vui” mà…