Bàn máy bớt rung
Mười năm trước, khi tôi vào cấp ba, mẹ phải dắt tôi đi may áo dài trước 1 tháng vì tiệm may đông khách, chậm trễ là không có áo kịp ngày khai giảng. Nhưng tuần trước, khi tôi ghé lại tiệm để may bộ áo dài cùng vài cái áo kiểu cho mẹ tôi, chiếc bàn máy đã phải nép mình ở một góc nhỏ. Tiệm may cũng dỡ bảng hiệu, thay vào đó đề tên cửa hàng tạp hóa, đồ đạc chất đầy từ ngoài vào trong. “Khách khứa gì đâu, ế lắm bây ơi!”, chú thợ may năm cũ thở dài.
Lấy số đo cho tôi xong, chú kiểm tra mấy xấp vải, chỉ 2 cái đầm đang ủi dở tay để giao khách vào sáng mai, chú Nguyễn Văn Chín (58 tuổi, ngụ xã Quy Đức, huyện Bình Chánh, TPHCM) nói: “Của bà khách quen, bả may bận đi đám cưới, chứ khách trẻ bây giờ ít may đồ lắm. Còn áo dài thì có công có chuyện như cưới hỏi hay đồng phục đi học, đi làm người ta mới may”.
Xóm nhà tôi, thợ may như chú Chín là có tiếng nhất nhì, bởi áo dài hay áo kiểu, sơ mi, quần tây… chú may 10 khách là hết 8-9 người ưng bụng. Mấy chị em tôi đi học đều may áo dài chỗ chú, bạn bè trong lớp tôi hỏi ra cũng kể “may áo dài ở tiệm ông Chín”. Đến khi các chị lớn trong nhà lấy chồng cũng may áo dài cưới chỗ chú. Vậy mà cái nghề làm dâu trăm họ bây giờ lại thất thế, thợ may như chú Chín phải nhận sửa đồ nhiều hơn may, “Làm dâu trăm họ là tiếng ông bà xưa ví vậy thôi, bây giờ người ta ra chợ, ra shop mua cho lẹ, chứ mua vải may cái áo chờ đợi lâu lắc. Khách may đồ mới có mấy người đâu, khách sửa đồ thì nhiều hơn, hết nới ra rồi bóp eo, thay dây kéo”, chú Chín chia sẻ.
Một phần vì đồ may đã không còn đáp ứng kịp nhu cầu kiểu dáng thời trang của khách hàng đương thời, một phần vì tiền vải, tiền công… nên quần áo may sẵn là lựa chọn của số đông khách. Chuyển sang nhận sửa đồ cho khách gần 5 năm nay, chị Minh Hà (43 tuổi, ngụ quận 5, TPHCM) cho biết: “Bây giờ, người may chủ yếu là khách lớn tuổi, họ đã quen mặc đồ may, hoặc những ai vóc dáng khó chọn đồ thì mới may thôi. Tôi chuyển qua sửa đồ, coi vậy mà dễ kiếm tiền hơn”.
Tự hào dáng áo truyền thống
Một trong những tiêu chuẩn đánh giá tay nghề thợ may có lẽ là áo dài. Trong thành phố có khá nhiều tiệm may quần áo thiết kế, nhưng nhiều nhất vẫn là áo dài, từ những cửa tiệm của các nhà thiết kế tên tuổi đến những cửa hàng áo dài may sẵn đều có đủ. Nổi tiếng và lâu đời có thể kể đến đường Pasteur, nơi từng được nhiều người thành phố ví là “phố áo dài”, nhiều cửa tiệm tại đây chuyên thiết kế riêng cho giới nghệ sĩ, người nổi tiếng.
Vài năm trở lại đây, áo dài thịnh hành trong nhiều dịp, nhất là những ngày tết cổ truyền, áo dài truyền thống được cả nam lẫn nữ diện nhiều hơn khi lễ chùa, dạo phố hay thăm viếng họ hàng.
Hơn 30 năm nối nghiệp gia đình với nghề may áo dài, anh Nguyễn Văn Vinh (52 tuổi, ngụ quận 3) truyền nhân đời thứ 3 của nhà may Thiết Lập (268 Pasteur, phường 8, quận 3, có tuổi đời hơn 65 năm), chia sẻ: “Thật ra thì áo dài cách tân tà ngắn tôi cũng có may qua, nhưng khách chỉ mặc đi chơi, đi dạo qua một mùa là xong. Cái chính vẫn là tà áo truyền thống, sự thanh lịch, nhã nhặn của áo dài truyền thống mới có thể ứng dụng được trong nhiều sự kiện quan trọng”.
Một số chi tiết của áo dài như: cổ áo, tay áo, tà áo, ống quần… hay kiểu hoa văn luôn được anh Vinh thay đổi qua từng năm để phù hợp với các xu hướng, thị hiếu, nhưng cái chính vẫn là giữ lại những nét truyền thống làm nên hồn cốt của áo dài Việt. Nổi tiếng với biệt tài “phù thủy đường cong”, anh Vinh bày tỏ: “May một cái áo dài thì không thể hời hợt được, ngay lúc lấy số đo mình phải đo thật chuẩn thì đến khâu cắt vải mới ra phom áo hợp với khách may. Nếu hai khâu này làm không khéo thì áo mặc lên không tôn dáng và có chỉnh sửa thế nào cũng không đẹp được”.
Không có tuổi đời lâu năm như nhà may Thiết Lập, một số cửa hàng quần áo thiết kế trong thành phố cũng bày bán áo dài may sẵn, đáp ứng nhu cầu của các khách hàng trẻ, mua nhanh lẹ. Gần 5 năm mở cửa hàng quần áo, bên cạnh những kiểu váy, đầm, âu phục, áo dài là một trong những thiết kế bán chạy của cửa hàng, nhưng 2 năm trở lại đây, chị Yên Lam (33 tuổi, chủ cửa hàng thời trang trên đường Nguyễn Công Trứ, quận 1, TPHCM) bỏ hoàn toàn áo dài cách tân.
“Áo dài cách tân cũng rầm rộ một mùa thôi, dịp tết có khá nhiều khách hỏi mua áo dài cách tân. Nhưng cái chính vẫn là áo dài truyền thống, khách hàng hỏi mua quanh năm, vì áo dài truyền thống có thể mặc ở nhiều nơi, đi học, đi chơi, đi làm hay dự tiệc đều phù hợp, không sợ bị phản cảm”, chị Lam cho biết.
Đi cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu ăn mặc và gu thẩm mỹ cũng thay đổi, nhưng ít nhiều người thợ vẫn có thể mưu sinh theo một lối khác. Và trong sự thay đổi về thị hiếu, thẩm mỹ đó, những giá trị truyền thống, nhất là tà áo dài truyền thống của dân tộc, vẫn bền vững dù không có những trào lưu hay xu hướng rầm rộ.